Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam lần thứ VI thành công tốt đẹp

NDO -

Sau một ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, ngày 26/4, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027 đã thành công tốt đẹp. 

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.(Ảnh: Hà Nội mới)
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.(Ảnh: Hà Nội mới)

Đại hội đánh dấu chặng đường 30 năm đã qua, với nhiều kết quả đáng khích lệ của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cùng 345 đại biểu, đại diện cho 566.335 hội viên thuộc 2.908 tổ chức hội thành viên tại Trung ương và địa phương đã về dự Đại hội.

Đại hội đã nhất trí bầu ra Ban Chấp hành khóa VI gồm 80 ủy viên, Ban kiểm tra gồm 5 Ủy viên. Ban Chấp hành khóa VI họp phiên thứ nhất đã bầu Ban Thường vụ gồm 11 Ủy viên, Ban Thường trực gồm Chủ tịch và 2 Phó chủ tịch. Ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội được bầu làm Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi khóa VI.

Nhiều tham luận, ý kiến thảo luận tại Đại hội đã nhất trí cao thông qua báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa V, nhiệm kỳ 2017-2022; thảo luận phương hướng nhiệm vụ khóa VI, nhiệm kỳ 2022-2027. Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa định hướng đối với hoạt động và sự phát triển của công tác Hội.

Từng bước bảo đảm quyền của người khuyết tật và trẻ mồ côi

Phát biểu tại Đại hội, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài hoan nghênh, đánh giá cao sự nỗ lực, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh nhưng toàn Hội vẫn vận động được hơn 2.8000 tỷ đồng, tổ chức tốt các hoạt động cứu trợ hiệu quả, an toàn. Các chương trình do Hội khởi xướng, tổ chức, tham mưu đã góp phần cùng nhà nước bảo vệ, trợ giúp, chăm sóc và từng bước đảm bảo quyền của người khuyết tật, trẻ mồ côi; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, công bằng, vì sự tiến bộ chung của xã hội, sự phát triển bền vững của đất nước, để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đề nghị, thời gian tới, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần thay đổi nhận thức xã hội, các cấp, ngành và bản thân người khuyết tật, trẻ mồ côi; chú ý hơn về công tác phản biện xã hội, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về người khuyết tật và trẻ mồ côi nói riêng và các chính sách xã hội nói chung.

Hội cần tập trung thực hiện chính sách xã hội hóa bằng việc đổi mới nội dung, hình thức, tăng cường hiệu quả công tác vận động nguồn lực xã hội nhiều hơn nữa; quan tâm hơn nữa công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức hội, hội viên; phát triển hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, góp phần vào công tác đối ngoại nhân dân; sáng tạo hình thức hoạt động mới để đáp ứng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người khuyết tật và trẻ mổ côi... - Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài lưu ý.

Huy động, kết nối nguồn lực xã hội để trợ giúp đối tượng yếu thế

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam xác định phương hướng nhiệm kỳ 2022-2027 với các hoạt động trọng tâm. Đó là: Tập trung huy động, kết nối nguồn lực xã hội để trợ giúp đối tượng về y tế, giáo dục, đi lại, sinh hoạt, nhà ở, vệ sinh, môi trường, học nghề, việc làm, sinh kế; thực hiện có hiệu quả 6 chương trình bảo trợ trọng tâm; tổ chức nhiều hình thức kết nối linh hoạt, phù hợp để hỗ trợ người khuyết tật học nghề, tìm việc làm, tạo sinh kế; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Hội cũng tiếp tục phối hợp với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai Chương trình đỡ đầu 1.000 trẻ mồ côi học tập đến khi trưởng thành; duy trì, mở rộng các hoạt động tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đến đối tượng và cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp; chủ động thu thập thông tin, đánh giá chính sách, làm tốt chức năng tham gia xây dựng chính sách, phản biện xã hội của Hội...

Các chỉ tiêu cụ thể được đề ra là: Vận động nguồn lực đạt ít nhất 3.000 tỷ đồng; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho 8.000 người; phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 50.000 ca; phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, phẫu thuật tim cho 5.000 ca; hỗ trợ mua 60.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nhẹ và đối tượng khác thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn; tặng 45.000 xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp; 25.000 xe đạp; 60.000 suất học bổng...

Nhiệm kỳ qua, dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức thành viên đã nỗ lực huy động được 2.862 tỷ đồng (vượt so với chỉ tiêu 1.500 tỷ đồng Đại hội V đề ra, cao hơn nhiệm kỳ IV gần 1.000 tỷ đồng).

Từ nguồn lực trên, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp, hỗ trợ hơn 16 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi, các đối tượng khó khăn, yếu thế khác thông qua các hình thức: phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể; phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng; mổ tim; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; tặng xe lăn, xe lắc, dụng cụ cho người khuyết tật; tặng xe đạp cho trẻ mồ côi, khuyết tật; xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; trao học bổng cho trẻ mồ côi nghèo,vượt khó...