Đại học Southampton: Các vùng nước ấm đe dọa môi trường tại Nam Cực

Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung đã phối hợp với Đại học Southampton để tìm hiểu những thay đổi của hải lưu Nam Đại Dương có tác động như thế nào đối với các dải băng.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện Bán đảo Nam Cực là nơi đang nóng lên nhanh nhất thế giới, với nhiệt độ trung bình tăng gần 3 độ C trong vòng 50 năm qua. (Nguồn: hindustantimes.com)
Hiện Bán đảo Nam Cực là nơi đang nóng lên nhanh nhất thế giới, với nhiệt độ trung bình tăng gần 3 độ C trong vòng 50 năm qua. (Nguồn: hindustantimes.com)

Các nhà khoa học Australia cảnh báo các vùng nước ấm đang là mối đe dọa lớn đối với dải băng Đông Nam Cực (EAIS).

Trong nghiên cứu được công bố ngày 3/8, nhóm các nhà khoa học Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) đã phối hợp với Đại học Southampton (Anh) để tìm hiểu những thay đổi của hải lưu Nam Đại Dương có tác động như thế nào đối với các dải băng.

Họ phát hiện ra rằng sự thay đổi của gió Tây trên Nam Đại Dương trong suốt nhiều thập kỷ đã thúc đẩy sự dịch chuyển cực của phần phía Nam Dòng hải lưu Nam Cực, đồng nghĩa với việc nước ấm hơn đang đổ về Nam Cực.

Điều này khiến nhiệt độ ở ngoài khơi Ấn Độ Dương, từ lưu vực Aurora của Đông Nam Cực, tăng khoảng 2-3 độ C kể từ nửa đầu thế kỷ 20. Lưu vực Aurora của Đông Nam Cực phần lớn nằm dưới mực nước biển, nên dễ bị sự mất ổn định của các tảng băng biển tác động.

Tác giả của nghiên cứu, bà Laura Herraiz-Borreguero cho biết, những phát hiện này sẽ giúp lý giải thêm phần nào về cơ chế thúc đẩy EAIS tan chảy. Các tảng băng được hình thành từ sự tích tụ tuyết trên đất liền qua thời gian, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu toàn cầu. Do đó, hiểu biết về nguyên nhân khiến quá trình băng tan diễn ra nhanh chóng sẽ là cơ sở cho những giải pháp về môi trường.

Mực nước biển tại lưu vực này có khả năng dâng cao 5,1m, trong khi tình trạng khối lượng lớn băng tan chảy đang khiến mực nước biển tại Đông Nam Cực dâng nhanh hơn.

Bà Herraiz-Borreguero cho biết, hạn chế nhiệt độ của Trái Đất tăng dưới 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp là cách tốt nhất để giữ cho lớp băng Nam Cực ở trong tình trạng ổn định, đồng thời giúp giảm tốc quá trình mực nước biển dâng.

Điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho việc thích nghi trong các hệ thống sinh thái và con người của các đảo nhỏ, vùng đất trũng ven biển và đồng bằng.