Tại buổi lễ ký kết, lãnh đạo Đại học Huế và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác trong việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cung ứng cho thị trường lao động chất lượng cao trong xu thế của kỷ nguyên số và công nghiệp 4.0… Theo đó, hai bên thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy kết nối hợp tác đổi mới sáng tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Đại học Huế và VINASA đã cam kết hợp tác, tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu là: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Thực tập, tuyển dụng; Tổ chức các sự kiện: hội nghị, hội thảo khoa học, cập nhật, trao đổi thông tin, giao lưu, ngày hội việc làm, giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Nghiên cứu và phát triển (R&D); Thúc đẩy khởi nghiệp trong nhà trường; Hợp tác về lĩnh vực truyền thông, phát triển thương hiệu.
Hằng năm, Đại học Huế kết hợp với các đầu mối phụ trách các lĩnh vực hoạt động của thành phố sẽ cùng VINASA trao đổi và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động hợp tác. Việc ký kết giữa lãnh đạo Đại học Huế và lãnh đạo VINASA góp phần quan trọng trong việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cung ứng cho thị trường lao động chất lượng cao trong xu thế của kỷ nguyên số và công nghiệp lần thứ tư.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế giới thiệu tiềm năng về nhân lực của Đại học Huế. |
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế đã khẳng định vai trò Đại học Huế trong đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ cho địa phương cũng như cả nước. Đại học Huế là một trong những đại học tiên phong trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục và tiến đến phát triển đại học số.
Đại học Huế có đội ngũ cán bộ hàng đầu trong cả nước với hơn 1.000 tiến sĩ được đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới đang trực tiếp đào tạo và chuyển giao các lĩnh vực quan trọng, như khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; tự động hóa và công nghệ số; điện-điện tử viễn thông; kỹ thuật phần mềm; an toàn thông tin và an ninh mạng; thương mại điện tử; marketing số; tài chính-kế toán số; truyền thông đa phương tiện; mỹ thuật số; du lịch điện tử; báo chí và truyền thông, công nghệ truyền thông số…
Lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin giao lưu, chia sẻ với học sinh, sinh viên tại chương trình. |
Cũng tại buổi lễ ký kết là Chương trình giao lưu với chủ đề: “Chuyển đổi số với tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ” với sự tham gia của hơn 600 bạn trẻ là học sinh và sinh viên cùng với 5 diễn giả là nhà quản lý, nhà công nghệ và chủ doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam.
Các bạn học sinh và sinh viên đã được lắng nghe các diễn giả chia sẻ về tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số, các lĩnh vực là thế mạnh mà thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Thừa Thiên Huế nói riêng có rất nhiều lợi thế và tiềm năng trong xây dựng, phát triển công nghệ và cung ứng dịch vụ cho xã hội.
Tại chương trình giao lưu, các bạn trẻ cũng được lắng nghe, chia sẻ về tiềm năng, cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong tuyển dụng cũng như thu nhập hấp dẫn từ các nhà tuyển dụng. Thông qua đó, các em học sinh và sinh viên có cách nhìn và động lực cho việc phát triển nghề nghiệp bản thân.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ với học sinh, sinh viên Đại học Huế. |
Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, những năm qua, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và Đại học Huế cùng các cơ sở đào tạo thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, gặp gỡ với học sinh, sinh viên. Cũng từ đó, những chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh được chia sẻ rộng rãi, từ đó có những định hướng cho việc phát triển bản thân phù hợp, quay trở lại đóng góp cho địa phương và cả nước.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, cả nước đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, kinh tế đang trên đà phục hồi, phát triển. Trong quá trình đi lên, tỉnh Thừa Thiên Huế nỗ lực sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Thừa Thiên Huế sẽ phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa.
Các bạn trẻ Đại học Huế chia sẻ mong muốn được tuyển dụng, có cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. |
Ngoài công tác đào tạo, hiện nay Thừa Thiên Huế đang quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tích cực thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, phấn đấu đến năm 2025 có 10.000 nhân lực về công nghệ thông tin. Đại học Huế sẽ là đơn vị chủ trì trong việc đào tạo nguồn nhân lực này, đây cũng là cơ hội việc làm cho các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đang nỗ lực xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và nguồn lực công nghệ thông tin trong kinh tế số rất quan trọng.
Thời gian qua, làn sóng đầu tư về Huế, trong đó có các nhà đầu tư về công nghệ thông tin với những tín hiệu tích cực cho thấy Huế đang chuyển động và đổi mới. Với chiến lược phát triển rõ ràng, chắc chắn các các thế hệ học sinh, sinh viên sẽ là những người chứng kiến, kiến tạo sự thay đổi, phát triển của Huế.
Lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn có nhiều startup công nghệ được nuôi dưỡng và hình thành từ các bạn trẻ qua quá trình học tập, đào tạo và rèn luyện trong môi trường Đại học Huế .