Đại biểu Quốc hội hiến kế giữ đất trồng lúa

NDO -

Để giữ được diện tích đất trồng lúa - tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề xuất cần có chính sách hỗ trợ và có các giải pháp tăng giá trị lúa gạo để người nông dân yên tâm sản xuất.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: quochoi.vn

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 10 năm qua diện tích đất trồng lúa của cả nước giảm 202,93 nghìn ha, chủ yếu tại vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích đất trồng lúa giảm do chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng, đô thị, công nghiệp, dịch vụ... Tính đến năm 2020, cả nước có 3,92 triệu ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (hai vụ lúa) có 3,18 triệu ha.

Kiên quyết giữ diện tích đất trồng lúa ở trên mức 3,5 triệu ha

Trong phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, quy hoạch đến 2030, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực còn 3,568 triệu ha, giảm thêm 349 nghìn ha so với năm 2020.

Về vấn đề này, tại phiên thảo luận trực tuyến, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, cần hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất khu công nghiệp, vì sau khi chuyển đổi, diện tích đất này khó có thể bảo đảm quay trở lại trồng lúa.

“Đất lúa là một tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá, chừng nào chúng ta còn bảo vệ nghiêm ngặt được nguồn tư liệu này thì chúng ta mới phần nào yên tâm về an ninh lương thực, dành thời gian công sức để phát triển các ngành kinh tế khác”, đại biểu Hoa khẳng định.

Các đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cũng cho biết, thực tiễn diễn ra nhiều năm nay khi đất trồng lúa đã chuyển sang mục đích phi nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi thành đất khu công nghiệp thì không thể chuyển trở lại trạng thái ban đầu để trồng lúa được, bởi vì sự màu mỡ của đất cho cây lúa không còn nữa, đặc tính lý hóa cũng bị thay đổi.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trong 10 năm tới cần kiên quyết giữ tổng diện tích đất trồng lúa cả nước ở mức hơn 3,5 triệu ha để bảo đảm an ninh lương thực theo Kết luận 81 của Bộ Chính trị, đồng thời cũng để bảo đảm được hệ tài nguyên đất đai, giá trị đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt.

“Đất trồng lúa phải hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi không lấy lại được. Bởi vậy chúng ta vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu ha. Diện tích này chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ khác, chứ không phải chỉ riêng đất trồng lúa. Nếu chúng ta bây giờ mà khai thác hết thì không còn không gian đất nào nữa để cho các thế hệ sau nếu như có nhu cầu phát triển”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội hiến kế giữ đất trồng lúa -0
Nông dân Long An thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn liên kết do tỉnh quy hoạch. 

Cần có chính sách hỗ trợ để các địa phương yên tâm giữ đất trồng lúa

Để các địa phương duy trì diện tích đất trồng lúa trong xu hướng chuyển đổi nhằm gia tăng giá trị kinh tế, đại biểu Hoa đề xuất Nhà nước cần cấp bổ sung ngân sách cho địa phương nào giữ đất trồng lúa nhằm bảo đảm phát triển hạ tầng và xã hội, để địa phương đó không thua kém so với những địa phương làm công nghiệp, dịch vụ.

Dẫn chứng tỉnh Nam Định có đặc thù "đất chật, người đông", nhưng có tới hơn 71.000 ha diện tích trồng lúa, lại chưa cân đối được ngân sách, đại biểu Hoa cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ để Nam Định và các địa phương tương tự yên tâm duy trì diện tích đất trồng lúa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước.

Trong trường hợp nhất định phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đại biểu Hoa kiến nghị cần tính giá bồi thường đất trồng lúa ở mức cao. “Điều này sẽ làm nhà đầu tư phải “chùn tay” và sẽ chuyển sang lấy đất khác “rẻ” hơn”, đại biểu Hoa hiến kế.

Đồng thời, đại biểu Hoa cũng đề nghị xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp như xây dựng nhà để ở hoặc kinh doanh không đúng quy hoạch.

Để hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hóa, đại biểu Hoa cho rằng nông dân trồng lúa cần được hưởng nhiều ưu đãi. Thí dụ như, nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cần được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, khôi phục sản xuất, được xem xét cho khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ.

“Nông dân phải được hỗ trợ lãi suất vốn vay để đầu tư mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Nông dân trồng lúa cần được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hiện nay chỉ những hộ nghèo mới được hỗ trợ. Nông dân bị thu hồi đất lúa thì sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề dịch vụ ở vùng lúa”, đại biểu Hoa đề xuất.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoa cũng đề xuất cần hỗ trợ giá lúa gạo. Nhà nước có thể công bố giá sàn đối với lúa theo từng thời điểm, bảo đảm cho người sản xuất lúa có lãi không thấp hơn 40% giá bán. Nhà nước cần hỗ trợ lãi suất tín dụng để các doanh nghiệp thu mua hết lúa gạo hàng hóa, để người dân yên tâm sản xuất.

Cuối cùng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng sàn giao dịch lúa gạo, tạo điều kiện kết nối thị trường gạo trong nước với thế giới, thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc “3 ranh giới” và “4 khu vực”.

Cụ thể, 3 ranh giới gồm: Ranh giới nghiêm ngặt bảo vệ, bảo tồn; Ranh giới hạn chế phát triển; Ranh giới khuyến khích phát triển để chuyển đổi mục đích cho phát triển kinh tế, xã hội, huy động nguồn lực theo cơ chế thị trường

4 khu vực gồm: Khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; Khu vực ổn định, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; Khu vực cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có điều kiện; Khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo đó, đất trồng lúa thuộc ranh giới nghiêm ngặt bảo vệ, bảo tồn.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV