Cần nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

NDO - Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các đại biểu Quốc hội bày tỏ mong muốn Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, rất cần các biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, rất cần các biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Cần đẩy mạnh những giải pháp ngắn hạn

Chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó nhấn mạnh đến những kết quả tăng trưởng những tháng đầu năm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đại biểu Cường cũng phân tích, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thị trường cho nhóm doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở trong nước.

Cần nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ảnh 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Hiện nay, thị trường thế giới bắt đầu có sự hồi phục, xuất khẩu tăng nhưng thị trường trong nước, tiêu dùng nội địa lại giảm. Chỉ số bán lẻ hàng hóa thấp nhất trong nhiều năm nay. Điều này làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, không có thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải trải qua thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy, khả năng phục hồi của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh này, đại biểu Cường cho rằng, cần tiếp tục các chính sách đã và đang áp dụng trước đây như chính sách tài khóa mở rộng thông qua các biện pháp giãn, hoãn các khoản nghĩa vụ đóng góp và tiếp tục giảm thuế (VAT, môi trường)… để một mặt giảm gánh nặng trực tiếp phải đóng góp, chi trả của doanh nghiệp; đồng thời cũng là các giải pháp để kích cầu, giúp tăng thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, chương trình đầu tư công, hỗ trợ của Chính phủ cũng cần phải đẩy mạnh hơn để tạo thêm cầu của doanh nghiệp lớn, từ đó tạo sự lan tỏa sang các khu vực, các doanh nghiệp khác, giúp doanh nghiệp có thị trường, tạo công ăn việc làm.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ tài chính, đại biểu đoàn Hà Nội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các khâu trung gian, cắt giảm các chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

Theo đại biểu, một trong những khó khăn hiện nay các doanh nghiệp đang gặp phải không phải đến trực tiếp từ phía nhà quản lý doanh nghiệp mà từ khâu quản lý công, thực thi công vụ.

Theo đó, có tình trạng một số cơ quan e ngại sai phạm, không dám mạnh dạn thực thi, giải quyết các yêu cầu phát sinh của doanh nghiệp. Chính điều này trở thành một trong những rào cản làm cho các doanh nghiệp không đáp ứng được kịp thời.

Do đó, đại biểu Cường cho rằng, bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính, cũng cần những cải cách về thể chế hành chính, đặc biệt là giải quyết các nút thắt, để các cơ quan thực thi công vụ dám nghĩ, dám làm, năng động và không sợ sai thông qua một cơ chế đặc thù, giúp cán bộ vận dụng một cách năng động và sáng tạo các quy định của pháp luật vào giải quyết các nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Tăng liều lượng hỗ trợ để vực dậy khối doanh nghiệp

Cần nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ảnh 3

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Bày tỏ đồng tình với các nhóm giải pháp của Chính phủ, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chúng ta đã có luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng cụ thể các nghị định, thông tư hướng dẫn, các chính sách thì vẫn chưa đủ liều lượng để vực dậy cũng như hỗ trợ cho đầu tư của khu vực tư nhân.

“Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ. Tôi rất đồng tình với các giải pháp ngắn hạn, trước mắt là sẽ tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, cũng như là giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) ở mức 2%”, đại biểu cho biết, đồng thời kiến nghị có thể tăng mức giảm thuế VAT này lên nhiều hơn nữa và thời lượng kéo dài hơn nữa.

Trong khi đó, bà Rơ Châm H′Phik, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, Chính phủ cần phải có những giải pháp căn cơ hơn, nhất là mở rộng cơ sở thu và thực hiện nghiêm ngặt thu thuế.

Ngoài ra, cũng cần phải có sự linh động, tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng để từ đó có thể mở rộng sản xuất cũng như khôi phục lại chuỗi cung ứng mà bấy lâu thì đang bị ảnh hưởng, tác động bởi bối cảnh bất lợi của kinh tế thế giới.

Cũng bày tỏ tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ, ông Lê Minh Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nói: “Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ 11 nhóm giải pháp để triển khai quản lý, điều hành kinh tế-xã hội cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội... Tôi cho rằng với những chủ trương, chính sách đã được định hướng như vậy sẽ mang lại kết quả rất tích cực trong thời gian sắp tới”.

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu rõ, cần phải nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc cả ở góc độ khách quan và chủ quan để vận hành linh hoạt, thích ứng trong thời gian tới nhằm đạt được kết quả tích cực hơn.

Cần nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ảnh 4

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang trả lời phỏng vấn báo chí, truyền thông bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Liên quan thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở tầm vĩ mô, bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo đồng bộ, toàn diện, cùng các bộ, ngành bắt tay vào gỡ các cơ chế, chính sách còn vướng mắc trong thời gian vừa qua, thí dụ như các văn bản chỉ đạo chậm ban hành thì cần được kịp thời đưa vào thực hiện cho tốt, áp dụng dễ hơn.

Nữ đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc kiểm soát, bình ổn các mặt hàng trong diện quản lý, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, qua đó bảo đảm đời sống người dân, trong đó có người lao động trước tình trạng “lương chưa tăng nhưng giá đã tăng”.

“Tôi hy vọng thời gian tới, Chính phủ sẽ có biện pháp điều hành tốt hơn, quyết liệt và mạnh dạn hơn, bên cạnh các chính sách trong tầm tay của các bộ, ngành để vấn đề nào đã tốt thì cần tốt hơn, còn vấn đề nào chậm thì cần có sự khắc phục. Ngoài ra, rất cần sự phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương tới địa phương và giữa các bộ, ngành, địa phương để chăm sóc tốt hơn cho đời sống người dân”, đại biểu Lam bày tỏ.