Đà Nẵng sẵn sàng ứng phó “nguy cơ kép”

NDO -

Chính quyền thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 5 (Conson), xây dựng phương án di dời dân vùng ven biển, ven sông, vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt, đồng thời vẫn phải bảo đảm thực hiện tốt những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. 

Sử dụng phương tiện cơ giới giúp ngư dân đưa tàu thuyền lên bờ an toàn.
Sử dụng phương tiện cơ giới giúp ngư dân đưa tàu thuyền lên bờ an toàn.

Từ tối 10/9, bão số 5 (Conson) bắt đầu ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng với những trận mưa lớn đan xen với thời gian tạnh ráo. Ông Phan Văn Nam, người dân phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), chia sẻ: “Khi nghe bão sắp vào là ngư dân chúng tôi ai cũng lo lắng. Rất may, sáng nay được phường thông báo có các anh công an, đoàn viên thanh niên phường ra hỗ trợ kéo thuyền lên bờ. Giờ chỉ việc buộc kỹ, hết dịch, hết bão mới đưa xuống đi biển trở lại”.

Trực tiếp chỉ đạo việc giúp dân đưa tàu thuyền lên bờ, néo buộc để bỏa đảm an toàn, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Khi có thông tin bão Conson vào biển Đông và trở thành cơn bão số 5, chúng tôi triển khai ngay việc rà soát, hỗ trợ dân đưa tàu thuyền nhỏ, thường neo đậu ở bãi ngang lên bờ, tàu lớn thì yêu cầu người dân chạy vào âu thuyền Thọ Quang hoặc theo sông Hàn tìm nơi neo đậu an toàn. Trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp, nên mọi công việc đều tiến hành theo yêu cầu hàng đầu là bảo đảm an toàn, không tụ tập quá đông người, bảo đảm khoảng cách, không để dịch lây lan. Chỉ trong buổi sáng, hàng trăm tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng của ngư dân các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ, An Hải Bắc… được đưa lên bờ an toàn, kịp thời”. 

Phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai được quận Sơn Trà xây dựng tương ứng với 3 kịch bản thiên tai, hướng tới phương châm 4 tại chỗ, phòng tránh là chính, chủ động ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả.

Về công tác di dời dân khi đổ bộ, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng nhấn mạnh: “Việc di dân khi bão đổ bộ, phải căn cứ tình hình thực tế, phải khảo sát địa điểm di dân, bảo đảm chu đáo, an toàn. Việc di dân cần tính toán kỹ, không nhất thiết phải di dân sớm, mà căn cứ vào hướng đi, cấp độ của bão để thực hiện từng bước một cách cẩn trọng, phù hợp. Ngành công thương và các địa phương phải chuẩn bị kỹ phương án cứu trợ, khi đưa dân vào các khu tránh bão thì phải đầy đủ lương thực, thực phẩm, áo quần, chăn màn, không được để người dân thiếu ăn, thiếu mặc… trong thời gian tránh bão”. 

Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 5 đang tiến nhanh vào bờ, UBND Đà Nẵng cũng chỉ đạo các địa phương hỗ trợ bà con nông dân nhanh chóng thu hoạch toàn bộ diện tích lúa hè thu. Tính đến chiều tối ngày 10/9, hơn 85% diện tích lúa hè thu của huyện Hòa Vang đã được thu hoạch, phần lớn đã được phơi ráo, có thể để trong nhà vào ngày không bị nảy mầm. Số còn lại khoảng hơn 100 ha, chủ yếu ở những chân ruộng cao, ít bị ngập nước sẽ được thu hoạch sau khi bão tan.  

Đảng bộ, chính quyền và người dân Đà Nẵng đang chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong thiên tai và công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là tại các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, hạn chế thấp nhất thiệt hại do “nguy cơ kép” khi bão lũ xảy ra trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.