Đà Nẵng nỗ lực khôi phục đà tăng trưởng

NDO -

Đó là thông tin nổi bật nhất tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2021, do Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 29/6.

Họp báo thông tin về kinh tế xã hội Đà Nẵng sáu tháng đầu năm 2021.
Họp báo thông tin về kinh tế xã hội Đà Nẵng sáu tháng đầu năm 2021.

Trong bối cảnh địa dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng nhiều địa phương, Đà Nẵng đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ ba, với các biến chủng mới có nguy cơ lây lan nhanh, quy mô và tính phức tạp cao hơn hai đợt dịch trước, ngay từ đầu năm, lãnh đạo thành phố và các địa phương, ban ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với chủ đề năm 2021: “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, thành phố Đà Nẵng đã và đang kiểm soát khá tốt nguy cơ lây lan dịch bệnh, các hoạt động phát triển kinh tế sáu tháng đầu năm cơ bản được duy trì, vốn đầu tư công thực hiện tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Phần lớn các ngành kinh tế bước đầu có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sáu tháng đầu năm 2021 ước tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 1,05% so với sáu tháng đầu năm 2019. Kinh tế thành phố đang dần khôi phục và thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020.

Quy mô nền kinh tế sáu tháng đầu năm nay ước đạt 52.857 tỷ đồng. Cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2019 - 2021 có sự dịch chuyển nhẹ giữa ba khu vực với xu hướng công nghiệp và xây dựng thu hẹp tỷ trọng; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng mở rộng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,62%; khu vực dịch vụ chiếm 66,01%; thuế sản phẩm chiếm 11,00%.

Khu vực dịch vụ, trụ đỡ chính góp phần vực dậy nền kinh tế ước tăng 5,34%, đóng góp 3,51 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng cũng đang dần lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng 2,85%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; thuế sản phẩm, sau khi giảm mạnh vào sáu tháng cuối năm 2020, nhờ có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ, giúp doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đợt dịch lần 2, đã có dấu hiệu tăng khá trong sáu tháng đầu năm 2021, tăng 7,99%, đóng góp 0,88 điểm phần trăm. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,08% so với cùng kỳ. 

Đà Nẵng nỗ lực khôi phục đà tăng trưởng -0
 Đà Nẵng đang nỗ lực khôi phục kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng.

Ông Trần Nam Trung, Phó Cục Trưởng Thống kê Đà Nẵng cho rằng, mặc dù kinh tế đã được phục hồi nhưng với tốc độ tăng 4,99‰ trong sáu tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng vẫn còn khá chậm so với các thành phố lớn. Nếu xét trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thành phố Đà Nẵng xếp thứ 4 về tốc độ tăng và quy mô GRDP tiếp tục dẫn đầu trong vùng.

Xét trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng chiếm hơn 1,3% trên tổng GDP và tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Tình trạng lao động, việc làm sáu tháng đầu năm 2021 tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn tiếp diễn do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Kết quả sơ bộ điều tra lao động - việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chung toàn thành phố sáu tháng đầu năm 2021 là 7,27‰; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi hơn 8%. 

Kết quả triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, tính đến cuối tháng 6/2021 đã chi hỗ trợ cho 326.141 lượt đối tượng, kinh phí hơn 501,7 tỷ đồng, trong đó tập trung ưu tiên cho đối tượng người lao động bị mất việc, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội. Tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ, tội phạm… tiếp tục được kiềm chế, kiểm soát; không xảy ra vụ việc phức tạp, nghiêm trọng.'

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với các biến thể mới, lây lan nhanh, đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Do đó, kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng trong những tháng tới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, mục tiêu tăng trưởng hơn 6% theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là một thách thức lớn, cân sự chung sức, đồng lòng của chính quyên, doanh nghiệp và người dân.

Từ nay đến cuối năm, Đà Nẵng đặt ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục thực hiện các giải pháp giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận hiệu quả các gói hỗ trợ.

Đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, Đà Nẵng tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo hướng bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP (phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn).

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, sẵn sàng xử lý kịp thời các vụ phát lửa, không đề xảy ra cháy lớn về rừng trong mùa khô. Chú trọng theo dõi tình hình tưới tiêu, bảo đảm cung cấp nguồn nước, bảo đảm an toàn hồ đập và công tác phòng chống thiên tai. 

Tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ; nắm bắt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngân hàng; các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt, mạnh mẽ các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Thông tư 03/2021/TTNHNN. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng: tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh; tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đối với lĩnh vực an sinh xã hội, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.