Triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn” khai mạc chiều nay (24/3), do Trung tâm Lưu trữ quốc gia phối hợp UBND huyện Hoàng Sa tổ chức.
Phát biểu tại khai mạc triển lãm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, khẳng định: Châu bản triều Nguyễn là những văn bản hành chính được hình thành trong quá trình quản lý nhà nước của vương triều Nguyễn; hội tụ đầy đủ các tiêu chí về tính độc đáo, xác thực, duy nhất và có tầm ảnh hưởng quốc tế, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thế giới vào năm 2017.
Châu bản triều Nguyễn có giá trị quan trọng trên nhiều phương diện. Đối với Đà Nẵng, có rất nhiều Châu bản thể hiện chính sách của triều Nguyễn về đô thị này, đặc biệt đánh giá cao vai trò của Đà Nẵng về kinh tế, thương mại, quân sự và quốc phòng.
“Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nước ta. Đầu thế kỷ XIX, Đà Nẵng đã là thương cảng lớn nhất miền trung, giữ vị trí chiến lược trong quân sự, quốc phòng. Vì vậy, nhà Nguyễn đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng, củng cố hệ thống phòng thủ ở vùng ven biển và trang bị đầy đủ vũ khí, đạn dược; đồng thời thường xuyên tổ chức hoạt động tuần tiễu, thao diễn trên biển, kiểm tra tàu thuyền nước ngoài ra vào hải phận và thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển để quyết tâm giữ yên vùng biển, bảo vệ hải dương”, ông Tùng nhấn mạnh.
Triển lãm được tổ chức tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. |
Triển lãm được chia thành 3 phần, gồm: Vịnh cảng vùng biển Đà Nẵng - Vị thế giao thương quan trọng thời Nguyễn; Hoạt động bảo đảm an ninh vùng biển Đà Nẵng-Quảng Nam thời Nguyễn và Thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn.
Theo ghi chép trong nhiều bản đồ và thư tịch cổ thì quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc lãnh thổ Việt Nam. Sử liệu Châu bản triều Nguyễn viết: “Xứ Hoàng Sa thuộc hải dương nước ta, hằng năm, có lệ sai phái thuyền binh ra khảo sát để quen đường biển”.
Thực tế, từ sớm các chúa Nguyễn đã quản lý và lập đội Hoàng Sa để phái đi khai thác sản vật ở quần đảo này.
Kế thừa truyền thống vươn khơi bám biển của tiền nhân, vua Gia Long tiếp tục sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa để đi “thăm dò đường biển” và khai thác sản vật ở xứ Hoàng Sa. Sau khi nối ngôi, Vua Minh Mạng đẩy mạnh hoạt động quản lý trên quần đảo này, sai phái binh dân ra khảo sát, đo vẽ bản đồ, cắm mốc đánh dấu những nơi đã tới, cứu hộ tàu thuyền gặp nạn khi qua hải phận... Những hoạt động đó trở thành định lệ và được các vua kế nhiệm thực thi để bảo vệ vùng hải dương này.
Triển lãm công bố lần đầu gần 100 văn bản lưu hình dấu và bút tích vua phê là những sử liệu tín thực góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng trong lịch sử và cung cấp nhiều thông tin giá trị tới công chúng.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 31/3/2023.