Với số lượng đồ sộ gồm 85 nghìn văn bản được hình thành trong hoạt động quản lý Nhà nước của 11 triều vua nhà Nguyễn, Châu bản là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, ghi lại nhiều thông tin phong phú phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế - xã hội, con người ở Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Đây là các tài liệu gốc duy nhất có bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn nên mang tính xác thực cao và là văn bản thể hiện tính pháp lý cao nhất. Khẳng định điều này, PGS, TS Vũ Thị Phụng, Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòngĐại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nhấn mạnh: "Một triều đại có niêm luật chặt chẽ về văn thư, văn bản thì đó là chứng minh cho một trình độ phát triển cao về mặt quản lý, bởi đây là quản lý thông tin và thông tin văn bản là hình thức quản lý tốt".
Mặc dù được hình thành từ hàng trăm năm về trước, nhưng Châu bản triều Nguyễn vẫn phản ánh được những chiến lược mang tính lâu dài của một dân tộc về chính sách phát triển giáo dục, văn hóa, khoa học mà cho đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Chẳng hạn, qua Châu bản, có thể thấy ngay từ thời vua Gia Long (1802-1820) đã tập trung đầu tư cho giáo dục, từ việc chú trọng đến thi cử tuyển chọn nhân tài tới việc thành lập trường Quốc Tử Giám ở Phú Xuân để dạy con em quần thần. Hay dựa vào những Châu bản đã được ngự phê năm 1825, có thể thấy Vua Minh Mạng rất quan tâm đến những chính sách phân phát đồ cứu tế và giảm giá thóc gạo cho người dân ở vùng bị thiên tai...
Bên cạnh đó, Châu bản còn là nguồn sử liệu gốc để biên soạn các bộ chính sử dưới triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ... Đặc biệt, Châu bản còn cung cấp những bằng chứng mang tính lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam, là thông tin thuyết phục góp phần giải quyết những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay. Những Châu bản như: Bản tấu của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ về tình hình cứu nạn thuyền buôn Pháp bị mắc cạn ở Hoàng Sa năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830); Bản tấu của Nội các về lời khai của sai phái đi khảo sát Hoàng Sa là Phạm Văn Sênh năm Minh Mệnh thứ 14 (năm 1833); Bản dụ về việc thưởng phạt các phái viên, binh định đi Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ vẽ bản đồ năm Minh Mệnh thứ 16 (năm 1835), hay Bản tấu của Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi Đặng Đức Thiệm xin miễn trừ các hạng thuế thuyền cho những thuyền dùng ra Hoàng Sa khảo sát năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838), Bản tấu của Bộ công về kết quả đi khảo sát và vẽ bản đồ ở Hoàng Sa năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838)... là những cứ liệu lịch sử xác thực cho thấy các Hoàng đế triều Nguyễn đã xác lập và thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam thông qua khảo sát, thăm dò, đo vẽ bản đồ và khai thác tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự phong phú về nội dung, hình thức và những giá trị to lớn mà khối Châu bản có một không hai này mang lại thêm một lần nữa khẳng định đây là di sản tư liệu quý giá có một không hai bởi tính duy nhất, không thể sao chép, nhân bản mà một vương triều phong kiến đã để lại trong lịch sử dân tộc.
Cùng với Mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Mộc bản Kinh Phật Chùa Vĩnh Nghiêm; di sản Châu bản triều Nguyễn đã trở thành tư liệu di sản thứ tư của Việt Nam được UNESCO công nhận. Điều này đồng nghĩa với việc Châu bản triều Nguyễn sẽ có nhiều điều kiện hơn nữa để phát huy giá trị trong công tác nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, niềm vui vinh danh luôn gắn liền nỗi lo bảo tồn. Vì thế, bên cạnh niềm tự hào về văn hóa, lịch sử dân tộc, Châu bản triều Nguyễn cũng đang đặt ra những thách thức cho các nhà quản lý về việc phục chế, bảo tồn và phát huy giá trị của Châu bản trong cuộc sống hôm nay. Những thông tin của Châu bản đều nằm trên bản giấy, trong khi đó thời tiết Việt Nam chủ yếu là nóng ẩm, không ít tư liệu đã bị hư hỏng, mối, mọt, việc bảo quản theo đó cũng gặp nhiều khó khăn. Được biết, ngay sau khi khối tư liệu Châu bản triều Nguyễn từ Huế được chuyển về Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, các nhân viên của Trung tâm lưu trữ đã bắt tay ngay vào công việc tu bổ, phục chế, áp dụng những quy trình tiên tiến đã được kiểm duyệt nhằm kéo dài tuổi thọ cho khối tư liệu đồ sộ này. Nhờ đó, nhiều Châu bản gần như đã trở lại được tình trạng ban đầu, song khoảng năm phần trăm khối tư liệu bị bết dính, hư hỏng nặng vẫn chưa thể khôi phục nguyên trạng. Theo Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia I Hà Văn Huề, những công việc của Trung tâm như phục chế, phân loại, sắp xếp lại Châu bản theo từng biên mục, niên giám mới chỉ là những việc thiên về hình thức. Tư liệu Châu bản cũng mới chỉ được dịch từ tiếng Hán -Nôm sang tiếng Việt mà chưa có tiếng Anh. Vì thế, thời gian tới, công tác nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu Châu bản sẽ phải được hoàn thiện, hướng tới không chỉ phục vụ những nhà nghiên cứu, những sinh viên, học sinh trong nước mà còn đáp ứng được nhu cầu tra cứu của các nhà nghiên cứu, bạn đọc người nước ngoài, hướng đến xây dựng website riêng về Châu bản. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế TS Phan Thanh Hải khẳng định: Vấn đề lưu trữ không đáng lo bằng việc đưa những giá trị của Châu bản đến với công chúng Việt Nam và thế giới. Bởi Châu bản hàm chứa rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa nhưng lại được viết bằng chữ Hán- Nôm nên tạo ra một khoảng cách lớn với người muốn tìm hiểu. Hơn nữa, Châu bản mang tính độc bản nên để bảo quản, không thể để tất cả các đối tượng đều có thể tiếp cận nguyên gốc. Do đó, phải đưa được bản số hóa Châu bản đến với các viện nghiên cứu, trường đại học để các nhà nghiên cứu, sinh viên có điều kiện tìm hiểu. Hơn nữa, nội dung Châu bản khi chuyển sang chữ quốc ngữ hay các thứ tiếng khác cũng cần chuyển tải một cách phổ cập, khoa học, dễ tiếp thu.
Châu bản triều Nguyễn là tài liệu quan trọng số một cho nên Trung tâm Lưu trữ Quốc gia cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Những hoạt động triển lãm, trưng bày về Châu bản cũng cần được tăng cường tổ chức để công chúng và bạn bè thế giới có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về những giá trị của Châu bản. Được biết, tháng 11 tới, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ phối hợp với Trung tâm lưu trữ Quốc gia tổ chức triển lãm về Châu bản triều Nguyễn tại Huế.