Đà Nẵng đón nhận Bằng vinh danh di sản Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn

NDO - Sáng 1/3, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu Mai nhai thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu Mai nhai thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Phát biểu tại sự kiện, bà Miki Nozaqua, Trưởng Ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, khẳng định, bộ sưu tập Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã lưu giữ những “ký ức” về sự giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của Việt Nam và các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực cũng như vai trò của phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế thế kỷ XVII.

“Việc ghi danh trong danh mục của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) chính là sự ghi nhận ý nghĩa và tầm vóc cấp khu vực của bộ sưu tập theo nhiều tiêu chí khác nhau. UNESCO sẽ tiếp tục hành động và hỗ trợ quốc gia bảo tồn và gìn giữ di sản của mình. UNESCO sẽ khuyến khích xác định, bảo vệ và gìn giữ di sản để bảo đảm vệ hình ảnh của di sản và nhận thức về tầm quan trọng của di sản; đồng thời, khuyến khích đối thoại và đa dạng văn hóa trên toàn thế giới”, bà Miki Nozaqua khẳng định.

Đà Nẵng đón nhận Bằng vinh danh di sản Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn ảnh 1
Đà Nẵng đón nhận Bằng vinh danh di sản Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn ảnh 2

Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn độc đáo vượt thời gian.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cam kết địa phương sẽ thực hiệu quả quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng. Tổ chức, kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các ma nhai và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và quảng bá giá trị di sản tư liệu bia ma nhai. Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của UNESCO, các bộ, ban, ngành trung ương trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản tư liệu quý giá này.

Trước đó ngày 26/11/ 2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của MOWCAP, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là 1 trong 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh (bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương).

Đà Nẵng đón nhận Bằng vinh danh di sản Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn ảnh 3

Du khách quốc tế tham quan di sản Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Tại động Hoa Nghiêm có 20 ma nhai. Động Huyền Không hiện đang lưu giữ 30 ma nhai, trong đó có ngự bút “Huyền Không Động” của vua Minh Mạng. Động Tàng Chơn có 20 ma nhai. Động Vân Thông có 2 ma nhai. Động Linh Nham có 3 ma nhai. Tại hang Vân Căn Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc có 3 bia ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.

Đà Nẵng đón nhận Bằng vinh danh di sản Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn ảnh 4
Sinh viên ngành khoa học xã hội tìm hiểu về giá trị Ma nhai.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn sử liệu quý giá cung cấp các thông tin đặc biệt từ quá khứ, bao gồm: mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản từ thế kỷ XVII. Chính sách hướng biển và ngoại giao cởi mở, mềm dẻo của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa kiều ở Việt Nam. Thể hiện hệ tưởng tư chính trị Nho giáo của triều Nguyễn và các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam như truyền thống yêu nước, hiếu học, yêu chuộng chữ nghĩa và coi trọng đạo đức con người; về giai đoạn Phật giáo Việt Nam đã hội nhập và mang tính quốc tế cao; lịch sử về giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của thương cảng Hội An và giao lưu hàng hải khu vực châu Á-Thái Bình Dương; một giai đoạn phát triển của hệ thống văn tự ở Việt Nam với sử dụng hài hòa, đan xen giữa chữ Hán và chữ Nôm…

Danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện là nơi hội tụ 4 di sản cấp quốc gia và khu vực, gồm là danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước và Lễ hội Quán Thế Âm và di sản tư liệu Mai nhai thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.