Theo Trưởng Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng Nguyễn Thành Tiến, Hòa Bắc là một xã nằm ở phía bắc của huyện Hòa Vang, với tổng diện tích 34.414,65ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp 542,06ha, chiếm 1,58% đất tự nhiên; đất lâm nghiệp 33.006,53ha, chiếm 95,91% đất tự nhiên (đất rừng sản xuất 7.398,26ha, chiếm 21,51%; đất rừng phòng hộ 4.842,57ha, chiếm 14,07%; đất rừng đặc dụng 20.765,07ha, chiếm 60,34%).
Công tác quản lý rừng có sự chuyển biến tích cực và được nâng cao, công tác phối hợp tuần tra, truy quét tại các điểm phức tạp về khai thác lâm, khoáng sản trái phép, công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng được coi trọng, khu vực mỏ vàng Khe Đương được kiểm soát tốt từ khi thực hiện chủ trương đánh sập các hầm mỏ trái phép.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn xã vẫn còn một số bất cập. Tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp để hình thành các cơ sở dịch vụ du lịch trái phép; diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng nhiều do sản xuất kém hiệu quả, hoạt động chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa đúng đối tượng…
Cụ thể, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng nhiều, sản xuất kém hiệu quả. Qua giám sát thực tế, xuất hiện một số mô hình phát triển du lịch sinh thái, tự ý dựng các lều sạp, trang trí các tiểu cảnh trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ cho việc tổ chức sinh hoạt vui chơi, trải nghiệm và có cả lưu trú (khu A Lăng Như tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc do ông A Lăng Như xây dựng, khu Heart Organic Farm tại thôn Phù Nam, xã Hòa Bắc do ông Võ Quang Hùng xây dựng, khu Làng Coco tại thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc do ông Nguyễn Đức Vinh xây dựng, khu Làng Mê tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc do ông Ngô Quốc Bình xây dựng, khu Yên Retreat tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc do ông Bùi Đức Tuấn xây dựng,...) chưa phù hợp các quy định pháp luật.
Đối với đất lâm nghiệp, qua giám sát, có một số khu vực chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang hình thức tự phát theo mô hình phát triển du lịch sinh thái dọc theo tuyến đường từ Tà Lang, Giàn Bi đến đèo Mũi Trâu,... chưa đúng quy định.
Từ thực tế trên, Ban Đô thị đề nghị Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hòa Vang chấn chỉnh, xử lý, chấm dứt việc sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp để hình thành các cơ sở dịch vụ du lịch trái phép trên địa bàn huyện. Chỉ đạo rà soát, thống kê, đề xuất thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang (trong đó có địa bàn xã Hòa Bắc).
Kịp thời chấn chỉnh, định hướng thông tin dư luận, tuyên truyền, phổ biến kịp thời để nhân dân được biết về các hành vi tung tin đồn không có cơ sở của hiện tượng “cò đất” liên quan việc đồn, thổi giá đất, tạo hiện tượng giá đất nhằm đẩy giá đất lên cao để trục lợi; kiểm soát chặt chẽ việc tách thửa, hạn chế hình thành các kiệt hẻm, chia nhỏ các lô đất lớn,... không phù hợp quy định.
Quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thuần túy sang mục đích khác phải bảo đảm theo đúng quy định pháp luật. Đề nghị UBND huyện Hòa Vang rà soát, báo cáo Thường trực HĐND thành phố về tình hình giao đất, giao rừng cho Công ty cổ phần Vinafor Đà Nẵng trên đại bàn xã Hòa Bắc.
Đồng thời, đề nghị Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hòa Bắc cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn, chấm dứt tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân được biết để áp dụng triển khai thực hiện theo đúng quy định nội dung Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND thành phố về thực hiện thí điểm mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.