Đa dạng sản phẩm OCOP An Giang

Tỉnh An Giang hiện có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và phấn đấu từ nay đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm. Nhờ điều kiện tự nhiên ưu đãi nên các dòng sản phẩm mang đặc thù địa phương được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh thông tin, 11 huyện, thị xã, thành phố có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao.

Qua phân loại có 63 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (chiếm 71,59%), 21 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (chiếm 23,86%) và 4 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ-trang trí (chiếm 4,54%).

Các chủ cơ sở có sản phẩm đều ý thức về tầm quan trọng của thương hiệu nên luôn học hỏi, cải tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc…

Mỗi dòng sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng, miền như tại thành phố Long Xuyên có cá linh kho mía và cá linh mắm chưng; thành phố Châu Đốc có mắm thái, khô cá tra phồng; thị xã Tân Châu có mắm cá mè vinh, khô bò và tung lò mò (lạp xưởng bò), thổ cẩm Châu Phong; huyện Thoại Sơn có tranh lá thốt nốt…

Trái thốt nốt là biểu trưng của vùng núi An Giang, nếu trước kia người dân chỉ chế biến thông thường thành nước và đường thì nay được nâng cấp thành các mặt hàng độc đáo như đường thốt nốt dạng bột, đường cô đặc, nước mầu, mứt, đường thốt nốt Palmania… Chị Châu Thị Dịu vốn sinh trưởng tại huyện Tri Tôn rất vui mừng khi cùng các cộng sự chế biến thành công mật thốt nốt Palmania đạt 4 sao từ phương pháp cổ truyền; giữ gìn và phát huy ngành nghề truyền thống nấu mật thốt nốt của bà con đồng bào dân tộc Khmer.

Ban đầu, mật Palmania chỉ cung ứng tại huyện Tri Tôn, nhưng sau đó mở rộng ra toàn tỉnh và nay đã xuất khẩu sang Phần Lan. Mật thốt nốt Palmania được ưa chuộng do sản xuất 100% từ nước hoa thốt nốt có tuổi thọ trên 25 năm và mọc hoàn toàn ở môi trường tự nhiên, quy trình sản xuất theo phương pháp truyền thống không dùng phụ gia, hóa chất, không tách mật hay pha trộn thêm bất cứ thành phần gì và ứng dụng hệ thống, công nghệ sấy hiện đại nên hương thơm, vị ngọt thanh đặc trưng của mật hoa được giữ trọn vẹn trong các sản phẩm.

Thành phố Châu Đốc có làng nghề làm mắm nổi danh lâu đời với hàng trăm hộ tập trung tại phường Núi Sam. Mắm thái nhãn hiệu Cô Tư Ấu đạt 3 sao và cơ sở làm mắm này là một trong các điểm thu hút người dân, khách du lịch tới đặt hàng, tìm hiểu cách làm.

Bà Nguyễn Kim Xuân, đại diện cơ sở chia sẻ, mắm Cô Tư Ấu đã khởi đầu năm 1948 và gìn giữ thương hiệu cho đến nay. Cơ sở luôn quan tâm, giữ gìn hương vị truyền thống nhưng cũng luôn cập nhật, áp dụng công nghệ trong chế biến để nâng cao tay nghề, đáp ứng khẩu vị đa dạng của các vùng, miền và du khách nước ngoài.

Ông Hứa Hoàng Vũ, chủ hộ kinh doanh ANAS với tung lò mò và lò mò PĐăm đạt 3 sao, là món ăn nổi tiếng tại thị xã Tân Châu, chia sẻ, đây là món ăn truyền thống của người Chăm tại Tân Châu nhưng từ năm 2012 ông đã nghiên cứu chế biến lại hương vị, đưa ra thị trường và được đón nhận. Theo ông Vũ, sản phẩm được ưa chuộng do thịt chế biến 100% là thịt bò được lựa chọn đúng chuẩn, không pha lẫn thịt khác. Và qua hỗ trợ tư vấn, ông thiết kế mẫu mã bao bì, cài mã QR trên bao bì nên khách an tâm khi quét mã truy xuất nhanh nguồn gốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia.

Để đạt được, cần có ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc cho các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; có 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử…); phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Tỉnh ưu tiên đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; tăng cường liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa…