Đa dạng các giải pháp kích cầu du lịch

Với những giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch, các tỉnh Tây Nguyên có thể khai thác để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang thương hiệu Tây Nguyên để thu hút du khách.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Trung tâm thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Xác định điều đó, các địa phương vùng Tây Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp và các chuỗi sản phẩm mới nhằm kích cầu du lịch.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định, Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước, với những nét đặc trưng về vị trí địa lý, kinh tế-xã hội, các điều kiện tự nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Tây Nguyên, vùng đất chất chứa nhiều huyền thoại là nơi sinh sống của gần 6 triệu người, gồm tất cả 54 dân tộc anh em; đồng bào dân tộc thiểu số gần 2,2 triệu người.

Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh đối với cả nước và khu vực; nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia; tiếp giáp với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, vùng Đông Nam Bộ, có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là du lịch với cả nước và quốc tế.

Vùng đất có địa hình đa dạng, từ núi cao đến các cao nguyên rộng lớn và các thung lũng với những cánh đồng trù phú… đã tạo nên vùng khí hậu trong lành, mát mẻ, với nhiều cảnh quan hấp dẫn, nhiều thác ghềnh, nhiều cánh rừng nguyên sinh, hệ thống vườn quốc gia và hàng chục khu bảo tồn thiên nhiên với giá trị đa dạng sinh học cao, như Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Măng Đen, Kon Chư Răng, Ea Sô, Nam Ka... nhiều thắng cảnh nổi tiếng và độc đáo, như miệng núi lửa, các cao nguyên, hồ trên núi.

Đắk Nông có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá và trải nghiệm, với công viên địa chất toàn cầu, Vườn quốc gia Tà Đùng, hệ thống thác nước kỳ vĩ… Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông Lê Ngọc Quang cho biết, tỉnh hiện có 10 dự án du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có 4 dự án đã đưa vào khai thác.

Với tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Đắk Nông còn rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với các địa chỉ hấp dẫn, như thác 5 tầng, thác Lưu Ly, thác 7 tầng, thác Gấu; Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, hồ Tà Đùng; các điểm di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Tây Nguyên là nơi cư trú của tất cả 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những giá trị di sản văn hóa khác nhau đã tạo thành một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước; đó là “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, kiệt tác và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như nhà rông, nhà dài; các lễ hội truyền thống đặc trưng như đua voi, cồng chiêng, mừng lúa mới; các giá trị văn hóa dân gian, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo và nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Bà Trần Thị Kim Ánh, Giám đốc Chi nhánh Du lịch khách sạn Biệt Điện (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk), đơn vị quản lý Trung tâm Du lịch cầu treo Buôn Đôn cho rằng: “Để kích cầu du lịch, ngành du lịch các địa phương cần phát huy vai trò chủ đạo, đứng ra tổ chức các sự kiện lớn và vận động các doanh nghiệp cùng tham gia mới có thể tạo được sự hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Tây Nguyên”.

Với cái nhìn tổng thể, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc phân tích: Tây Nguyên cơ bản có địa hình, sản phẩm du lịch khá giống nhau, nhưng mỗi địa phương sẽ có đặc thù, thế mạnh riêng, như Đà Lạt-Lâm Đồng sản phẩm chính là lấy khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, nông nghiệp để phát triển du lịch; Đắk Lắk là buôn làng, voi, cà-phê… thì có thể phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm sản phẩm đặc trưng; Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum có địa hình, địa thế đặc trưng, có thể phát triển du lịch dựa vào thác ghềnh, du lịch khám phá, có thể phát triển tour khép kín khi liên kết phát triển du lịch.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt gợi mở: “Với những giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch, Tây Nguyên có thể khai thác để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc, như du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa cộng đồng… mang thương hiệu Tây Nguyên, tạo năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế”.

Tạo sức hút mới với du khách

Tây Nguyên có tiềm năng du lịch độc đáo và hấp dẫn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; văn hóa dân tộc bản địa đặc sắc, đa dạng cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá.

Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực trong phát triển du lịch còn yếu… Để tạo sức hút mới với du khách, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã và đang triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch.

Tại Gia Lai, sau thời gian “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp không khói của tỉnh hồi sinh mạnh mẽ. Năm 2022, Gia Lai đón hơn 950 nghìn lượt du khách, tăng 2,9 lần so với năm 2021; doanh thu du lịch hơn 600 tỷ đồng.

Căn cứ các giá trị về tài nguyên du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung nhận định: “Gia Lai cần nỗ lực xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch gắn với du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái”.

Nói thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng: “Muốn phát triển du lịch bền vững phải tập trung vào con người. Nhân dân chính là sứ giả kết nối điểm đến với du khách. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực vào văn hóa, con người và tài nguyên thiên nhiên để Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn”.

Được chọn là cực phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông đã có nhiều hoạt động du lịch khởi sắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Thắng cho biết, huyện luôn chú trọng công tác truyền thông, quảng bá du lịch, nhất là trên các nền tảng công nghệ mới; in ấn bản đồ du lịch, USB lưu trữ phim tài liệu, clip ca nhạc, du lịch để tặng du khách. Thời gian tới, huyện đẩy mạnh việc liên kết tour, tuyến, phát triển thêm các điểm du lịch và loại hình du lịch mới, chia sẻ lợi ích kinh tế với cộng đồng thông qua các nguồn thu từ hoạt động du lịch.

Dựa vào tiềm năng, thế mạnh và nét đặc trưng, mỗi địa phương tại Tây Nguyên đều có những chương trình phù hợp để thu hút du khách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết: “Để kích cầu phát triển du lịch, tỉnh đang tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược nhằm phát huy các tiềm năng sẵn có. Đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch địa phương; xây dựng văn hóa du lịch gắn kết cộng đồng”.

Đà Lạt-Lâm Đồng từ lâu đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Tỉnh xác định, du lịch là một trong những ngành kinh tế động lực. Giai đoạn 2016-2020, doanh thu từ du lịch hơn 52 nghìn tỷ đồng; thu hút lao động trực tiếp phục vụ ngành du lịch khoảng 13 nghìn người.

Năm 2022, toàn tỉnh đón hơn 7,5 triệu lượt du khách và bốn tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Đà Lạt-Lâm Đồng hơn 3,1 triệu lượt, trong đó khoảng 167 nghìn khách quốc tế. Phát triển du lịch Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch đã được đưa vào nghị quyết về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, để kích cầu du lịch cần sự vào cuộc đa ngành, trước hết phải là truyền thông quảng bá, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; liên kết với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường gắn kết giữa văn hóa, thể thao và du lịch.

Đồng thời, cần khảo sát, điều tra tài nguyên du lịch để có những định hướng hỗ trợ từng huyện, thành phố phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc thù từng địa phương để tránh trùng lắp.

“Điều quan trọng là phải liên kết mới phát triển; mới tạo được tour, tuyến và sản phẩm du lịch mới, lạ thu hút du khách. Liên kết nội vùng Tây Nguyên, liên vùng và khu vực. Nhưng để liên kết hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để các địa phương phát triển đồng bộ”, bà Ngọc gợi mở.

Căn cứ các giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch văn hóa dân tộc bản địa Tây Nguyên... có thể phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch bắt nhịp xu hướng phát triển và thị hiếu du khách. Đây là lợi thế của Tây Nguyên so với các vùng du lịch khác trong nước, có khả năng tạo ra sự khác biệt và tạo nên thương hiệu du lịch Tây Nguyên.