Nam bệnh nhân 38 tuổi là thầy giáo ở một trường tiểu học vùng cao tại Sơn La vào nhập viện tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sau 2 ngày sốt, đau khớp hai bên, mệt mỏi nhiều.
Ngay lúc vào viện, bệnh nhân đã đi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tim, suy thận. Các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tích cực bằng nhiều biện pháp tối ưu như thở máy, lọc máu liên tục cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, nam bệnh nhân đáp ứng rất kém với các biện pháp điều trị tích cực ban đầu, tình trạng nhiễm trùng tiến triển toàn thân. Kết quả cấy máu của bệnh nhân ra vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore.
Theo y văn, những trường hợp nhiễm Burkholderia pseudomallei có sốc nhiễm khuẩn thì tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, vi khuẩn sẽ lan tràn khắp cơ thể tạo thành nhiều ổ áp xe toàn thân, đáp ứng rất kém với kháng sinh. Cũng vì lý do đó mà Burkholderia pseudomallei được mệnh danh là vi khuẩn "ăn thịt người".
Nam bệnh nhân tiếp tục đi vào sốc nặng hơn, suy hô hấp không đáp ứng với thở máy. Bên cạnh những ổ áp xe toàn thân, huyết khối bắt đầu hình thành ở chi dưới và động mạch phổi, kèm theo bệnh nhân bị sốc mất máu do chảy máu từ dạ dày.
Gia đình thầy giáo có hoàn cảnh rất khó khăn, bố bệnh nhân vừa mất do ung thư, trong khi chi phí hồi sức hàng ngày có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Trước hy vọng sống của người bệnh rất mong manh, bệnh viện tiến hành cuộc hội chẩn dưới sự chủ trì của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc bệnh viện, cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải và các thầy thuốc nhiều chuyên khoa. Các chỉ số lâm sàng và các thang điểm tiên lượng trong y văn đều cho thấy tỷ lệ tử vong gần như là 100%.
Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã kêu gọi các nhà hảo tâm được hơn 100 triệu đồng ủng hộ thầy giáo nghèo. Dưới sự chỉ đạo chuyên môn của lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo khoa, các bác sĩ điều chỉnh phác đồ kháng sinh, tiến hành kỹ thuật tim phổi nhân tạo -ECMO cho bệnh nhân.
Theo chia sẻ của các bác sĩ, khi đang chạy ECMO, điều trị huyết khối bằng chống đông, bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng, sốc mất máu do chảy máu dạ dày nhiều lần. Có những tua trực phải tiến hành nội soi cầm máu lúc nửa đêm, truyền nhiều lít chế phẩm máu, tưởng như bệnh nhân không thể vượt qua được.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã hồi sức thành công rất nhiều bệnh nhân nặng trong hàng tháng trời, các bác sĩ đều không bỏ cuộc, quyết tâm cứu bệnh nhân tới cùng.
Sau hơn 20 ngày chạy ECMO, 5 lần soi dạ dày cấp cứu, bệnh nhân bắt đầu được kết ECMO và cai dần thở máy.
Sau 1 tháng rưỡi điều trị, bệnh nhân đã bỏ được máy thở, thở khí phòng. Bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La để tiếp tục điều trị thuốc kháng sinh uống và chăm sóc trong giai đoạn phục hồi.
Theo các bác sĩ, trong 1 tháng qua, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực đã cứu sống 3 bệnh nhân nặng bằng kỹ thuật ECMO thành công.