Cứu sản phụ tiền sản giật nặng, nguy cơ tử vong 30%

NDO - Sản phụ có tiền sử ung thư tuyến giáp, mắc tiền sản giật nặng, nguy cơ suy đa tạng, tử vong cả mẹ và con, phải mổ cấp cứu lấy thai gấp đã được các bác sĩ mổ lấy thai kịp thời, bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con.
Bác sĩ Hiền Lê và ê-kíp sản khoa thực hiện mổ lấy thai.
Bác sĩ Hiền Lê và ê-kíp sản khoa thực hiện mổ lấy thai.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, sản phụ N.T.H (40 tuổi, Hà Nội) từng sinh hai con bằng phương pháp sinh thường. Năm 2018, chị phát hiện mắc ung thư tuyến giáp, uống thuốc điều trị tích cực. Khi biết tin mang thai lần ba, gia đình vừa vui mừng, vừa lo lắng.

Thai kỳ diễn ra suôn sẻ cho đến tuần thai 38, chị H. xuất hiện tình trạng mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Nghĩ rằng giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, bản thân đang vào tháng cuối thai kỳ, chị H. xem đây là những biểu hiện bình thường mẹ bầu nào cũng dễ gặp phải, không biết rằng bản thân đang mắc bệnh lý sản khoa nguy hiểm.

Ngày 27/9, chị nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, huyết áp tăng bất thường, lên đến 160/110mmHg. Bác sĩ chẩn đoán tiền sản giật nặng, nguy cơ suy đa tạng, tử vong cả mẹ và con, phải mổ cấp cứu lấy thai gấp.

Ca mổ diễn ra thuận lợi. Thai nhi chào đời sinh hiệu tốt, cân nặng 2,9kg. Hai mẹ con được đưa về phòng nội trú và tiếp tục theo dõi sau sinh.

Theo bác sĩ Hiền Lê, sản phụ H. có tiền sử K giáp, khi mang thai nội tiết thay đổi kết hợp với bệnh sẵn có trở thành yếu tố thuận lợi, tăng nguy cơ mắc tiền sản giật.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết-Đái tháo đường phân tích, ở sản phụ này, do việc kiểm soát tình trạng nhiễm độc giáp không tốt hoặc bổ sung quá mức hormon giáp ở những người bệnh mang thai có thể là yếu tố thuận lợi gây ra tiền sản giật.

Ngoài ra, ở những người bệnh bị ung thư tuyến giáp, việc cắt toàn bộ tuyến giáp làm tăng khả năng suy tuyến cận giáp sau phẫu thuật. Khi người bệnh mang thai, việc bổ sung không đầy đủ khoáng chất làm thiếu hụt calcium, kalium, magnesium tăng nguy cơ mắc tiền sản giật/sản giật. Đó cũng là những yếu tố thuận lợi gây tiền sản giật ở trường hợp của chị Hằng.

Tiền sản giật là một trong những biến chứng sản khoa gặp ở khoảng 5% sản phụ và là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho khoảng 17% phụ nữ mang thai. Dấu hiệu của tiền sản giật thường mờ nhạt và tiến triển âm thầm.

Bác sĩ Hiền Lê cho biết, tiền sản giật nặng khiến sản phụ tăng huyết áp, đi kèm với một số các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt và đau ở vùng thượng vị. Nếu không phát hiện sớm sẽ gây ra sản giật - một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, gây hôn mê sâu, đe dọa tính mạng cả sản phụ và thai nhi.

Trường hợp của sản phụ H. là tiền sản giật đã chuyển nặng, diễn tiến thành hội chứng HELLP, gây tan máu, tăng men gan và giảm tiểu cầu. Tỷ lệ tử vong do hội chứng này lên đến 30%.

Bác sĩ Hiền Lê khuyến cáo, những sản phụ có sẵn bệnh nền được xét là thai kỳ nguy cơ cao cần được theo dõi chặt chẽ. Ngoài việc khám thai định kỳ, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần chủ động thăm khám với bác sĩ sản khoa ngay, tránh biến chứng nguy hiểm.

Tiền sản giật có thể xảy ra ở mọi sản phụ với các biến chứng nặng nề. Người mẹ có thể có tình trạng tai biến mạch máu não, xuất huyết não ồ ạt, tử vong. Thai nhi có nguy cơ suy thai, mất tim thai trong bụng mẹ.

Do đó, nếu sản phụ có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, hoặc đau vùng thượng vị hoặc bẹ sườn bên phải, mờ mắt, tiểu ít, phù căng cứng toàn thân… thì cần ngay lập tức đi khám ở tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản phụ khoa uy tín.