Nỗi lo lớn nhất của hầu hết phụ nữ trong và sau khi mang thai là đối mặt với các tai biến sản khoa. Một trong số đó là hội chứng tiền sản giật khi mang thai – được xem là nguyên nhân dẫn đến sinh non, trường hợp nặng có thể gây tử vong cho cả sản phụ và thai nhi.
Sản phụ T. T.H (45 tuổi) mang thai lần 3, tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khi thai được 34 tuần 2 ngày với tình trạng đau đầu nhiều, nhìn mờ, đau tức thượng vị, huyết áp 190/110mmHg, phù toàn thân.
Qua xét nghiệm cho thấy, protein niệu 1,67g/l. Đánh giá đây là một ca tiền sản giật có dấu hiệu nặng, các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân dùng thuốc hạ áp, thuốc an thần, truyền magie sulphat theo đúng phác đồ điều trị.
Sau 1 tiếng, sản phụ tỉnh nhưng vẫn đau đầu nhiều, huyết áp tăng tới 220/180mmHg. Nhận thấy đây là trường hợp tiền sản giật nặng, cách điều trị tốt nhất lúc này là mổ lấy thai để bảo đảm an toàn cho cả tính mạng sản phụ và thai nhi.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Hòa, Phó Trưởng khoa Sản nhiễm trùng C3 cùng ê-kíp thành công lấy một em bé nặng 2.000g, con hồng hào khỏe mạnh. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của sản phụ được theo dõi sát sao, hiện tại cả mẹ và bé đều khỏe mạnh.
Chia sẻ về căn bệnh tiền sản giật, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Hòa khuyến cáo tới các mẹ bầu, tiền sản giật (hay nhiễm độc thai nghén) là tình trạng rối loạn nguy hiểm thường gặp đối với phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20.
Các biểu hiện của tiền sản giật có thể kể đến là cao huyết áp, phù, protein trong nước tiểu tăng,… Hầu hết phụ nữ mắc bệnh này có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, tuy nhiên một số trường hợp có thể bị biến chứng như rau bong non, sản giật.
Hiện nay, tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, bệnh lý tiền sản giật có thể được sàng lọc ở giai đoạn từ tuần thai 11 đến 13 tuần 6 ngày để chỉ ra người có nguy cơ cao mắc tiền sản giật.