Cứu kịp thời sản phụ bị tiền sản giật nặng, phù toàn thân

NDO - Sản phụ mang thai ở tuần 29 bị tiền sản giật, phù toàn thân đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mổ cấp cứu kịp thời, bảo toàn tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Mai Trọng Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện trao đổi với các bác sĩ cấp cứu cho sản phụ bị tiền sản giật.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Mai Trọng Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện trao đổi với các bác sĩ cấp cứu cho sản phụ bị tiền sản giật.

Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cấp cứu bệnh nhân Vũ T.H (19 tuổi, ở Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm) mang thai lần đầu, tiền sản giật có dấu hiệu nặng: huyết áp cao 210/110 mmHg, phù to toàn thân, có dấu hiệu thần kinh, mất thị giác kèm theo đau đầu dữ dội. Đánh giá tình trạng nguy kịch nên người bệnh được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực-chống độc và giảm đau.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương, Phó khoa Sản bệnh A4 cho biết, trong quá trình mang thai, bệnh nhân có đi khám ở cơ sở y tế tư nhân, không khám thai định kỳ. Rất may là bệnh nhân đã được bệnh viện tuyến dưới cấp cứu với một phác đồ đúng nên quá trình cấp cứu người bệnh sau đó cũng thuận lợi hơn.

Người bệnh được các bác sĩ điều trị tích cực hạ huyết áp, cải thiện tình trạng phù não, điều trị triệu chứng thần kinh và khảo sát đánh giá tình trạng thai. Dù thai nhi có tuổi thai 29 tuần nhưng đánh giá chỉ tương đương với thai 26 tuần, trọng lượng của thai xấp xỉ 800g và bắt đầu có biểu hiện rối loạn phân bố tuần hoàn thai nhi.

Tình trạng thai nhi rất xấu, có nguy cơ mất tim thai trong bụng mẹ. Thai nhi được hỗ trợ trưởng thành phổi, bảo vệ não. Sau hơn 8 tiếng điều trị tích cực, diễn biến bệnh có cải thiện hơn, huyết áp được duy trì ổn định, thị lực người bệnh cải thiện, triệu chứng đau đầu thuyên giảm,…

Người bệnh nhanh chóng được hội chẩn cấp lãnh đạo bệnh viện. Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Mai Trọng Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện đã đưa ra quyết định đình chỉ thai kỳ, vì đây là trường hợp tiền sản giật có những dấu hiệu nặng gây nguy hiểm đối với cả mẹ và con.

Ca mổ được thực hiện bởi ê-kíp Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương, đã lấy ra 1 trẻ trai 850g, em bé được chuyển khoa Sơ sinh chăm sóc. Sau mổ, sản phụ ổn định, các triệu chứng tiền sản giật đã cơ bản được kiểm soát.

Theo bác sĩ Hưng, tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm nhưng không đáng sợ nếu thai phụ biết cách chăm sóc bản thân trước và trong lúc mang thai; đồng thời có kế hoạch khám thai định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa để có một thai kỳ an toàn.

Cứu kịp thời sản phụ bị tiền sản giật nặng, phù toàn thân ảnh 1
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Mai Trọng Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện thăm khám cho bệnh nhân.

Bất kỳ thai phụ nào cũng có nguy cơ mắc tiền sản giật, tuy nhiên thai phụ hoàn toàn có thể sàng lọc và dự phòng tiền sản giật sớm để tránh hậu quả nặng nề. Bệnh lý tiền sản giật có thể được sàng lọc ở giai đoạn từ tuần thai 11 đến 13 tuần 6 ngày để chỉ ra người có nguy cơ cao tiền sản giật. Việc điều trị dự phòng sẽ được áp dụng với những thai phụ có nguy cơ cao.

Sàng lọc tiền sản giật sớm được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây, song ở nước ta kỹ thuật này khá mới mẻ. Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là cơ sở tiên phong trong vấn đề này, được chuẩn hóa quốc tế và đang nhân rộng kỹ thuật này cho các cơ sở trên cả nước.