Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách “Chính sách của EU đối với Việt Nam: Thực tiễn và triển vọng” của nhóm tác giả: TS Trần Thanh Huyền, TS Đào Minh Hồng (Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh), GS, TS Nguyễn Thái Yên Hương (Đồng chủ biên).
Năm 1990, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với EU, đây là sự kiện quan trọng, có tác động tích cực đến quan hệ đối ngoại và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Sau khi xóa bỏ cấm vận, hai bên đã xây dựng, phát triển quan hệ bằng các chương trình, dự án, hiệp định hợp tác trong một số vấn đề nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, hoạch định chính sách, nâng cao năng lực thể chế, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, và từng bước mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, bảo tồn di sản, giáo dục, giao lưu nhân dân...
Cụ thể, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác quan trọng như: Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện (PCA - có hiệu lực từ năm 2016); Hiệp định Đối tác tự nguyện về lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT - có hiệu lực từ tháng 6/2019); Hiệp định khung về hợp tác quốc phòng-an ninh (FPA - có hiệu lực từ tháng 10/2019); Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA - có hiệu lực từ ngày 1/8/2020); Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); cơ chế Đối thoại nhân quyền hằng năm;... Các khuôn khổ hợp tác này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á có quan hệ toàn diện, sâu rộng nhất với EU, là nước ASEAN duy nhất có tất cả các trụ cột hợp tác với EU.
Hơn 30 năm qua, quan hệ Việt Nam-EU đã phát triển từ quan hệ một chiều giữa “nước nhận viện trợ và nhà tài trợ” trở thành quan hệ đối tác bình đẳng và cùng có lợi, hợp tác toàn diện và bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu, trên cơ sở lợi ích chung, với các cơ chế toàn diện, đáp ứng hiệu quả, thiết thực nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược của cả hai bên, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên vẫn còn một số rào cản, khác biệt trong quan điểm và cách nhìn nhận, như xu thế dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đặc biệt là quan điểm và cách tiếp cận trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền,...
Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về quá trình phát triển của quan hệ Việt Nam-EU thông qua các chính sách của tổ chức này đối với nước ta, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Chính sách của EU đối với Việt Nam: Thực tiễn và triển vọng”.
Cuốn sách gồm 4 chương đi sâu phân tích những vấn đề chính xoay quanh các chính sách của EU đối với Việt Nam bao gồm các nhân tố tác động tới chính sách; vị trí, vai trò và nội dung đặc trưng của các chính sách; đánh giá những kết quả đạt được cũng như những thuận lợi, khó khăn khi triển khai chính sách; và dự báo các chính sách của EU đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, giúp các nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách và đông đảo bạn đọc nắm bắt, cập nhật được nhiều thông tin chính thống về tổ chức này cũng như có những đánh giá, nhận định xác đáng hơn về các chính sách mà EU đã, đang và sẽ áp dụng đối với Việt Nam.