Dòng chảy văn hóa liên tục và lần đầu tiên tìm thấy nguyên liệu luyện kim
Trong địa tầng của di chỉ Dền Rắn đã phát hiện nhiều dấu tích sinh hoạt hằng ngày như: Các hố đất đen, hố cột, cụm gốm... của con người kéo dài từ thời tiền Đông Sơn đến hậu Đông Sơn. Các nhà khảo cổ đã thu được hơn 1.700 hiện vật các chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, xương, sắt và hơn 0,5 tấn đá nguyên liệu và mảnh tước, cùng hơn 1,5 tấn mảnh gốm và đất nung. Các hiện vật có loại hình khá phong phú: Công cụ sản xuất (rìu, dao, kim, lưỡi câu…), vũ khí (mũi lao, dao/giáo) và các hiện vật khác (mũi nhọn, thanh đồng, dây dồng, mảnh tiền đồng...). Cuộc khai quật đã làm xuất lộ 14 mộ táng, đều là mộ huyệt đất, trong đó, có đến 12 mộ thuộc văn hóa Đông Sơn giai đoạn muộn chứng minh rằng khu vực Dền Rắn là một khu mộ của cư dân, thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn và hậu Đông Sơn.
Có 11 dấu tích lò luyện kim đã được phát hiện trong khu vực khai quật. Các di tích lò đúc được phát hiện là các cụm đất nung lớn bị sập đổ với nhiều mảng tường lò được tạo khối hộp chữ nhật rắn chắc màu đỏ cam. Cho đến nay, gò Dền Rắn là di tích thứ sáu phát hiện đầy đủ bộ dụng cụ đúc đồng (các địa điểm khác là Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội), Đồng Đậu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), Vườn Chuối, Đình Tràng và Đại Trạch (Hà Nội). Đặc biệt, cuộc khai quật đã phát hiện khá nhiều mảnh quặng sunfur nhiều kích thước. Đây là di chỉ đầu tiên tìm thấy quặng nguyên liệu của quá trình luyện kim, mở ra cơ hội để các nhà khảo cổ nghiên cứu sâu về kỹ thuật luyện - đúc kim loại thời tiền Đông Sơn.
Các kết quả nghiên cứu sơ bộ cho biết: Tầng văn hóa ở khu vực này thuần nhất và những di vật khảo cổ, đặc biệt là đồ gốm khẳng định ở đây có sự tiếp nối và diễn biến liên tục từ giai đoạn sớm văn hóa Đồng Đậu cho đến giai đoạn muộn văn hóa Gò Mun, cách ngày nay 3.300 - 2.800 năm và giai đoạn xuất hiện mộ táng Đông Sơn và hậu Đông Sơn nằm trong khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ III-IV, sau công nguyên. Qua tư liệu địa tầng và di tích và di vật thu được, bước đầu có thể nhận định giai đoạn cư trú ở di chỉ Dền Rắn có nhiều điểm tương đồng với diễn biến văn hóa từ giai đoạn Đồng Đậu sớm đến Gò Mun muộn ở một số di chỉ tiêu biểu phân bố trên đất Hà Nội như Vườn Chuối, Thành Dền, Đình Tràng… có niên đại trong khoảng thời gian từ 3.300 - 2.800 năm cách ngày nay.
“Điềm lành” trước năm Tân Sửu
Đặc biệt hơn, cuộc khai quật đã phát hiện một vật đeo được làm từ chất liệu nephrite, màu vàng loang trắng, tạo dáng hình đầu trâu. Hiện vật được chế tác khá tinh vi, được mài kỹ toàn bộ. Mặt sau, phần sống đeo là một đường gờ nổi kéo dài từ miệng lên đầu, có hai lỗ xỏ thông nhau chạy bên dưới gờ nổi. Ở mặt trước, phần gốc gốc sừng trâu được nối với nhau bằng một rãnh hình chữ V với đỉnh hướng lên trên. Phần mũi trâu có dạng hình trụ. Phần miệng trâu gồm hai rãnh nhỏ chạy song song với nhau, dài 0,5 cm. Kích thước xinh xắn - dài nhất (từ đỉnh sừng trâu xuống miệng) 2,06 cm, dài từ đỉnh đầu trâu xuống miệng 1,55 cm, rộng 2,18 cm, dày 0,74 cm.
Hiện vật này rất giống trang sức hình đầu trâu đã được phát hiện trong lớp văn hóa Gò Mun từ đợt khai quật năm 1971, tại di chỉ Đình Tràng (Đông Anh, Hà Nội). Các nhà khảo cổ học thích thú coi việc tìm được hiện vật này như “điềm lành” trước thềm năm Tân Sửu 2021.
Công việc “hậu khai quật” cón tiếp tục
Gò Dền Rắn đã được khai quật 500 m2 trước khi giải phóng mặt bằng xây dựng khu đô thị theo đúng Luật Di sản văn hóa. Các nhà khoa học đề nghị UBND TP Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho phép di dời di tích, di vật đã khai quật, giải phóng mặt bằng xây dựng khu đô thị cho Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng. Tiếp sau việc di dời, trong quá trình xây dựng tại khu vực Dền Rắn, nếu thấy xuất hiện di tích, di vật khảo cổ, đơn vị thi công cần thông báo ngay tới các cấp chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và các cơ quan chuyên môn để xử lý thu thập, tránh gây thất thoát, hư hỏng di vật, cổ vật. Sau khai quật, di dời còn cần có phương án chỉnh lý và cả nguồn kinh phí để chỉnh lý di tích, di vật. Việc nghiên cứu chỉnh lý khối tư liệu vật thật khổng lồ này là việc làm rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Gò Dền Rắn ở thôn Lai Xá, (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), nằm trong quần thể di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối quý giá đã nhiều lần được khai quật và khẳng định giá trị. Gò Dền Rắn cũng nằm trong Dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch đã được phê duyệt và bàn giao mặt bằng cho Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng. Thực hiện Quyết định số 3273/QĐ-BVHTTDL ngày 6-11-2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ, từ giữa tháng 11-2020, Viện Khảo cổ học phối hợp Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội, Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng và Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khai quật nghiên cứu khảo cổ tại gò Dền Rắn, với tổng diện tích 500 m2. |