Cuộc đua gay cấn vào vị trí Thủ tướng Đức

Các ứng cử viên chạy đua vào vị trí Thủ tướng Đức vừa kết thúc màn tranh luận trực tiếp cuối cùng. Chỉ còn một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử, các đảng phái nước này đang “chạy đua với thời gian” để giành thêm sự ủng hộ của cử tri ở chặng nước rút.

 Ba ứng cử viên thủ tướng hàng đầu của Đức gồm ông Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), bà Annalena Baerbock của đảng Xanh và ông Armin Laschet của Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU). Ảnh: DW
Ba ứng cử viên thủ tướng hàng đầu của Đức gồm ông Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), bà Annalena Baerbock của đảng Xanh và ông Armin Laschet của Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU). Ảnh: DW

Ngày 26/9 tới, nước Đức sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội, lựa chọn gương mặt kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel, người đã có bốn nhiệm kỳ liên tục lãnh đạo đất nước. Ba ứng cử viên tham gia cuộc đua cho vị trí Thủ tướng gồm ông Armin Laschet của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), ông Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh. Càng sát ngày bầu cử, nội dung tranh luận giữa ba ứng cử viên càng thu hẹp về phạm vi, chỉ xoay quanh những vấn đề sát sườn với đời sống của người dân Đức, thay vì những chính sách đối ngoại xa xôi như vấn đề Afghanistan, tình hình Liên hiệp châu Âu (EU)…

Tại cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng, những chủ đề chính được tập trung tranh luận gồm mức lương tối thiểu, khủng hoảng khí hậu, số hóa. Cuộc tranh luận “nóng” lên khi các ứng cử viên đưa ra quan điểm khác biệt về mức lương tối thiểu và chính sách để đạt công bằng xã hội. Hai ứng cử viên của SPD và đảng Xanh kêu gọi áp dụng mức lương tối thiểu 12 euro/giờ. Trong khi đó, ứng cử viên CDU/CSU kịch liệt phản đối mức lương tối thiểu 12 euro, cho rằng việc thương lượng tiền lương là nhiệm vụ của các nghiệp đoàn. Cũng theo ứng cử viên này, sẽ không phù hợp khi yêu cầu các ngành nghề khác nhau áp đặt một mức lương thống nhất. 

Cuộc bầu cử Quốc hội Đức diễn biến gay cấn, khó lường. Trong nhiều tuần, tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng cử viên các đảng chênh lệch không lớn. Tuy nhiên, sau khi cuộc tranh luận cuối cùng khép lại, ưu thế đang nghiêng về ứng cử viên Olaf Scholz của SPD. Có 42% số người được hỏi đánh giá ông Scholz có màn tranh luận thuyết phục, trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Laschet và bà Baerbock lần lượt là 27% và 25%. Theo giới chuyên gia, hiện chưa đảng nào có khả năng giành thắng lợi vượt trội trong cuộc bầu cử để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. 

Cuộc bầu cử sắp tới là sự kiện chính trị quan trọng đối với người dân Đức khi họ phải chọn ra gương mặt xứng đáng thay thế Thủ tướng Angela Merkel. Trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt hàng loạt khó khăn, nhất là những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người kế nhiệm bà Merkel sẽ phải gánh vác trọng trách nặng nề chèo lái con thuyền đất nước vượt qua sóng gió.