Cùng suy ngẫm

Cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân

Siêu bão số 3 đã đi qua, nhưng hoàn lưu vẫn tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, nhất là các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa từ 200-350 mm (nhiều nơi 400-500 mm, có nơi gần 600 mm). Lũ trên sông Thao và Lục Nam đã vượt mức báo động 3, gây ngập lụt cục bộ ở nhiều khu vực; sạt lở đất đã liên tiếp xảy ra tại nhiều nơi, nhất là ở Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai,... gây thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Chuẩn bị nhu yếu phẩm gửi tặng đồng bào bị ảnh hưởng cơn bão số 3. (Ảnh: CÔNG LÝ)
Chuẩn bị nhu yếu phẩm gửi tặng đồng bào bị ảnh hưởng cơn bão số 3. (Ảnh: CÔNG LÝ)

Để nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân, bảo đảm không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế,... Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 90/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực, khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch,... để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm,... trong thời gian nhanh nhất có thể. Chiều 10/9, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đã xuất cấp 200 tấn gạo, giao cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng kịp thời vận chuyển tới các nơi cần hỗ trợ; thời gian giao nhận sẽ phải hoàn thành trước ngày 12/9.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã liên tục chỉ đạo và hướng dẫn các Sở Công thương địa phương, các doanh nghiệp phân phối, đơn vị cung cấp hàng hóa quy mô lớn, các thương nhân đầu mối và kinh doanh xăng dầu cập nhật diễn biến thị trường hàng hóa tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng mưa lũ và một số nơi khác bị chia cắt, cô lập do bão, hoàn lưu bão gây ra để tập trung hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương. Theo báo cáo mới nhất, ở các khu vực chưa bị ngập lụt, chia cắt, tình hình cung ứng hàng hóa vẫn được bảo đảm, giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mì có tăng nhưng nguồn cung được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng thiếu hàng hay tăng giá đột biến. Ở các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, Sở Công thương và các doanh nghiệp đang phối hợp lực lượng chức năng cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm như mì, lương khô, bánh mì, bánh chưng, nước uống đóng chai đến cho người dân.

Lực lượng quản lý thị trường cũng được chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng “găm” hàng, đẩy giá nhằm bảo đảm ổn định giá cả, cung-cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ sẽ vẫn có mưa lớn với lượng mưa 100-200 mm, có nơi hơn 350 mm, nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt tại các vùng trũng thấp. Trước tình hình đó, các bộ, ngành, lực lượng chức năng liên quan và các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc điều tiết, vận chuyển hàng hóa và tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; đồng thời, tiếp tục tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Người dân cần bình tĩnh, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại cũng như dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ gây ra.