Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân cũng như trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) Nguyễn Văn Sơn cho biết, chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nhà nông. Trước đây, người dân có thói quen vứt bừa bãi vỏ bao bì, vỏ chai thuốc đã qua sử dụng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ khi chương trình được triển khai, bà con được hướng dẫn cách xử lý vỏ bao bì, vỏ chai thuốc đã qua sử dụng và bỏ vào bể chứa theo đúng quy định. Dần dà thành thói quen, ý thức của người dân được nâng lên rất nhiều. Số rác thải này được vận chuyển về nhà máy tiêu hủy an toàn. Cùng với đó, người dân còn được hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hiệu quả, trách nhiệm như kỹ thuật "ba giảm ba tăng", "một phải năm giảm", "công nghệ sinh thái" trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn nhằm thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng... Từ đó góp phần giảm đáng kể số lần xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nhà nông.
Từ năm 2017-2022, chương trình chuyển đổi sang xây dựng các mô hình điểm gắn liền với một xã nông thôn mới điển hình tại địa phương. Trong giai đoạn này, chương trình đã xây dựng 1.266 hố chứa, vận động nông dân thu gom hơn 111.720 kg bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, lượng rác thải này được đem tiêu hủy an toàn.
Từ năm 2017-2019, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm, chương trình còn hướng dẫn nông dân tham gia sản xuất nông sản an toàn, xây dựng các mã số vùng trồng cho nông sản xuất khẩu, tạo sự liên kết giữa các công ty xuất nhập khẩu nông sản với các tổ hợp tác, hợp tác xã tại địa phương nhằm tạo đầu ra cho nông sản. Nhờ đó, đã xây dựng 195 mô hình tiêu biểu tại các xã xây dựng nông thôn mới ở 22 tỉnh, thành phố với các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế và xuất khẩu: lúa, măng tây, thanh long, bưởi, xoài, vú sữa, nhãn, hồ tiêu, khoai lang, hành tím,…Tổng diện tích của các mô hình đạt hơn 11.968 ha, với sự tham gia trực tiếp của gần 11.000 hộ nông dân.
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình điểm, chương trình còn đào tạo 531 giảng viên; từ lực lượng nòng cốt này, chương trình đã thực hiện hơn 17.028 cuộc hội thảo, tập huấn với 686.391 nông dân tham dự tại 22 tỉnh, thành phố; đã phát hơn 641.368 tờ rơi, dán tổng cộng 28.644 poster tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông thôn để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Ðồng thời, tập huấn cho 4.900 sinh viên ở các trường đại học.
Năm 2019, khi dịch Covid-19 bùng phát, vì nhiều lý do, chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường bị gián đoạn. Tập đoàn Lộc Trời cho biết, tháng 11/2022, tập đoàn đã tái khởi động chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường 2022" tại các tỉnh khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình lần này kéo dài từ 15/11/2022 đến 3/3/2023 với sự tham gia của các hợp tác xã, tổ hợp tác đang liên kết sản xuất với Lộc Trời. Chương trình được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn một đã thu gom được hơn sáu tấn bao bì, vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng tại 24 hợp tác xã của năm tỉnh An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Long An, Bạc Liêu; giai đoạn hai của chương trình được mở rộng với 28 hợp tác xã tham gia, thuộc sáu tỉnh Long An, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng; thu gom được 8,8 tấn bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng.
Kết quả, chương trình thu gom tổng cộng gần 15 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; đã có 33 hợp tác xã tham gia chương trình, trong đó 17 hợp tác xã tham gia cả hai giai đoạn. Chương trình đã thực hiện 1.340 buổi hội thảo, thu hút 34.825 nông dân tham gia để tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả.
Tập đoàn Lộc Trời là một trong những số ít đơn vị còn đồng hành cùng chương trình. Từ năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà tham gia. Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, một trong những thành công đáng ghi nhận của chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường, đó là nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV, thực tế đã có hơn 50 doanh nghiệp đã đồng hành cùng chương trình, điều này thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp với cộng đồng. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, hầu hết các công ty không còn đồng hành cùng chương trình nữa.
Lý giải về điều này, ông Sơn cho biết, theo Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ, theo đó các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV đã đóng phí thực hiện trách nhiệm tái chế và xử lý bao bì của nhà sản xuất cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thu các khoản phí này thì phải có trách nhiệm chi trả các kinh phí liên quan đến vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng.
Từ năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV không còn đóng góp kinh phí thực hiện chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường. Trong khi hiện nay phía đơn vị thu phí môi trường (EPR) vẫn chưa giải ngân được nguồn kinh phí thu của doanh nghiệp. Ðây là một trong những nguyên nhân chính khiến chương trình gần như bị đình trệ trong hai năm qua.
"Trước khi có quy định này, các doanh nghiệp thuốc BVTV thuộc VIPA đã tự đóng góp kinh phí thực hiện chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường tại 22 tỉnh, thành phố phía nam. Việc gây dựng phong trào, tạo đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp, thay đổi nhận thức, thói quen của nhà nông là việc làm rất khó khăn. Nếu không kịp thời có giải pháp giải ngân kinh phí đã thu của các doanh nghiệp, phong trào cùng nông dân bảo vệ môi trường có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Chúng tôi mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có giải pháp để duy trì một chương trình thiết thực, ý nghĩa", ông Sơn nhấn mạnh.