Cung đường nguy hiểm tại Bắc Cạn

NDO -

NDĐT - Cung đường quốc lộ 3, đoạn từ TP Bắc Cạn (Bắc Cạn) tới xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới dài hơn 30 km là tuyến huyết mạch, quan trọng nối Bắc Cạn tới đường Thái Nguyên-Chợ Mới, thông thương về miền xuôi. Cung đường không dài, nhưng nhỏ, hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, tai nạn giao thông chết người nhiều nhất ở tỉnh này.

Hiện trường vụ sạt lở đá xuống đường quốc lộ 3, đoạn qua xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới trong tháng 8-2019.
Hiện trường vụ sạt lở đá xuống đường quốc lộ 3, đoạn qua xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới trong tháng 8-2019.

Từ TP Bắc Cạn đến xã Thanh Bình, quốc lộ 3 đã xuống cấp, nhiều đoạn cua gấp, khuất tầm nhìn, ta-luy âm đổ xuống sông Cầu. Một số vị trí trên mặt đường, lề, kè phải vá, “trám” ổ gà, ổ trâu, sửa nhiều lần. Cung đường này đang là đoạn tuyến xảy ra nhiều tai nạn giao thông gây chết người nhiều nhất ở tỉnh Bắc Cạn.

Tại đoạn qua xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, hơn 30 hộ dân làm nghề sản xuất cơm lam, bánh để bán có thu nhập khá. Tuy nhiên, từ TP Bắc Cạn xuống vì bên phải đường là ta-luy dương cao hàng trăm mét, không thể dựng hàng quán, người dân dùng nhiều cọc gỗ, cọc bê-tông dựng nhà chênh vênh trên ta-luy âm. Những hàng, quán này nằm sát đường, nếu tài xế không chú ý thì tai họa khôn lường. Theo nhân dân sinh sống dọc tuyến, đã nhiều lần tai nạn giao thông xảy ra. Đặc biệt, đoạn từ xã Hòa Mục tới tổ Thác Giềng, phường Xuất Hóa đi men theo núi cao hàng trăm mét, thường xuyên có đá lở xuống, người dân ở khu vực này rất lo lắng khi lưu thông qua đây.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Cạn Dương Ngọc Thuyết cho biết, đoạn tuyến này ngắn nhưng có đến chín vị trí nguy cơ sạt lở cao. Đoạn Km113+800 đến Km239+414 bám dọc sông Cầu, bên trái tuyến là núi cao, nhiều đường cong liên tục, bán kính nhỏ, nhiều đường cong ngược chiều nhau có đoạn chêm ngắn, nhiều nguy cơ sạt lở mái ta-luy dương, sườn núi và tai nạn giao thông. Đoạn từ Km121 đến Km129+500 cũng bám sát dọc sông Cầu, bên trái là núi đá rất cao với vách dựng đứng, luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đá lăn bất cứ lúc nào khi các lớp đá vôi bị phong hóa, mất liên kết, rời rạc.

Thực tế, những nguy cơ này không phải mới nhưng nhiều năm qua chưa được xử lý dứt điểm, do vậy, cung đường 30 km này trở thành nỗi ám ảnh cho người tham gia giao thông. Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Bắc Cạn), từ 2017 tới nay, cung đường này đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết bảy người, bị thương 18 người. Còn những vụ va quệt, đâm vào ta-luy, lao xuống ta-luy âm đoạn cua gấp khi mưa thì diễn ra thường xuyên. Trước đây, nhiều xe container từ Hải Phòng lên Cao Bằng cũng thường xuyên bị lật, thậm chí có thời gian, tuần nào cũng xảy ra vì bán kính cua nhỏ, gấp ở những đoạn này. Nhiều đoạn cua gấp, xe gây tai nạn lao cả vào nhà dân. Nhà bà Trương Thị Minh, thôn Bản Giác, xã Hòa Mục (Chợ Mới) đã hai lần bị xe ô-tô lao vào nhà làm sập một góc nhà, sập bếp.

Đoạn Km124 đến Km128 lề đường không rộng, sát ta-luy, nhiều cua hẹp nên việc tránh, vượt nhau rất nguy hiểm. Ngày 10-8-2017, tại km 127+410, đoạn qua thôn Xí Nghiệp, xã Nông Hạ, (Chợ Mới), xe ô-tô biển kiểm soát 97C 014.32 do Đặng Văn Dũng, SN 1985, trú tại tổ 16 phường Sông Cầu, TP Bắc Cạn điều khiển theo hướng Hà Nội - Cao Bằng đã đâm vào xe mô-tô biển kiểm soát 97F5- 1267 do ông Hoàng Doãn Hoan (SN 1952), trú tại xã Thanh Bình (Chợ Mới) điều khiển theo hướng ngược lại, làm ông Hoan chết tại chỗ. Ngày 15-11-2018, tại Km 124+780, đoạn qua địa phận thôn Bản Còn, xã Nông Thịnh, huyện Chợ Mới, anh Vũ Ngọc Thật (SN 1975), trú tại xã Nông Thịnh đang đi xe đạp đã bị một ô-tô quệt mạnh, dẫn tới tử vong tại chỗ.

Còn sạt lở thì diễn ra thường xuyên. Đã có ba vụ việc đá lở từ trên cao xuống làm chết và bị thương người đi đường. Các vị trí nằm trên cao so với mặt đường hàng trăm mét, dốc đứng, hầu hết, sau khi xảy ra sạt lở, chỉ có thể xử lý tạm thời để thông đường. Mới đây nhất, khoảng 12 giờ, ngày 3-8-2019, anh Trần Kim Tuấn (SN 2002) chở bà Trần Thị Tư (SN 1943) theo quốc lộ 3 từ TP Bắc Cạn về nhà, đến Km142+700, đoạn qua địa phận thôn Bản Giác, xã Hòa Mục, bất ngờ hàng trăm tảng đá lớn, nhỏ xô xuống từ đỉnh núi, hất văng anh Tuấn ra đường, vùi lấp làm bà Tư tử vong tại chỗ, anh Tuấn bị thương nặng. Đá lở còn làm bị thương anh Ma Văn Đàm (SN 1983), trú tại xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Theo Sở Giao thông vận tải Bắc Cạn, để bảo đảm an toàn giao thông, trước mắt, chỉ xây kè bảo vệ nền đường các vị trí xói lở ta-luy âm; đào bạt hạ tải mái ta-luy dương, cậy bẩy đá mồ côi nguy cơ sạt lở trên sườn núi xuống; phá dỡ đá cheo leo; cải tạo đường cong, đào bạt tầm nhìn các vị trí bán kính nhỏ; cắm bổ sung các biển cảnh báo. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm nguy cơ đá lở đoạn từ Km141+100 tới Km145+00 đang là bài toán rất nan giải do kinh phí lớn, vách đá dựng đứng không thể cậy bẩy, đào phá hạ tải được dù đoạn tuyến này, đá lở, lăn gây chết người đã nhiều lần xảy ra.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Đinh Quang Tuyên cho biết, bên cạnh mất an toàn giao thông thì đoạn tuyến này cũng là “điểm nghẽn” cản trở thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Cạn trong nhiều năm qua. Nhiều nhà đầu tư lên Bắc Cạn tìm hiểu xong chẳng bao giờ quay lại vì điều kiện giao thông quá khó khăn. Để giải quyết tình trạng mất an toàn giao thông trên đoạn tuyến này, trong ba năm lại đây, tỉnh đã đề xuất, kiến nghị Trung ương nâng cấp đồng bộ đoạn tuyến này. Đến tháng 8-2019, tại hội nghị bàn về đề án kết nối mạng giao thông khu vực các tỉnh miền núi phía bắc, Bộ Giao thông vận tải đã đưa dự án đường cao tốc Chợ Mới đến TP Bắc Cạn vào nhóm các dự án được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Bắc Cạn đang nỗ lực phối hợp các bộ, ngành Trung ương để có thể sớm triển khai dự án này giúp nhân dân yên tâm đi lại.

Việc không xử lý dứt điểm các vị trí nguy cơ sạt lở cao đang khiến nhân dân bất an, lo lắng khi lưu thông. Tỉnh Bắc Cạn cần bảo đảm an toàn giao thông trước mắt, đi đôi với tìm giải pháp căn cơ, triệt để, lâu dài để khắc phục sớm tình trạng này, nhất là khi mùa mưa bão vẫn đang diễn ra.