Củng cố kiến thức lý luận, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

NDO - Sáng 6/6, tại Trường Chính trị tỉnh Gia Lai, Ban Chủ nhiệm Đề án 587, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phối hợp Trường Chính trị tỉnh Gia Lai khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh KĐ23.08.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng.
Quang cảnh Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng.

Lớp bồi dưỡng có sự tham dự của 52 học viên là lãnh đạo, quản lý, giảng viên Trường Chính trị các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh.

Lớp được tổ chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các Trường Chính trị cấp tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 17/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Học viện và của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2019-2030.

Phát biểu tại lễ khai giảng, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý, giảng viên các Trường Chính trị, việc học tập và nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là những nội dung cơ bản, cốt lõi trong chương trình, giáo trình giới thiệu, giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Việc nghiên cứu tác phẩm kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp các học viên tiếp cận hệ thống lý luận, hiểu rõ hơn những nguyên lý, quan điểm mà các nhà kinh điển đã đề cập. Qua lớp bồi dưỡng, học viên được củng cố hệ thống kiến thức lý luận, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác”, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, lớp bồi dưỡng được tổ chức từ ngày 6/6 đến ngày 25/11, học viên được các giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thông tin 7 chuyên đề: Lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay; phương pháp nghiên cứu các tác phẩm kinh điển; những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay; cục diện thế giới hiện nay và đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Trong thời gian học tập, các học viên được nghiên cứu 40 tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh; viết 12 bút ký và 3 bài thu hoạch, 1 bài tiểu luận cuối khóa.