Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư nhờ duy trì xuất siêu và hoạt động xuất khẩu trong tháng 2/2023 đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc nhưng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% cho cả năm đang đứng trước nhiều thách thức. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm đã giảm hơn 13% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%.
Đáng lưu ý, mức sụt giảm mạnh nhất là kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm khác như Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đều giảm so cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm đã giảm hơn 13% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu suy giảm khá đồng đều ở hầu hết các ngành chủ lực như điện tử, máy tính và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ...
Bên cạnh đó, nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu cho thấy các doanh nghiệp đang hạn chế nhập khẩu hàng hóa và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong bối cảnh đầu ra chậm và thiếu đơn hàng.
Xuất khẩu giảm cũng khiến tình hình sản xuất công nghiệp bị tác động, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp và tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hai tháng đầu năm đều giảm so cùng kỳ.
Thực tế này cho thấy, xuất khẩu là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, khi động lực này suy giảm sẽ tác động đến hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu nói riêng và mục tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn trong công tác phối hợp điều hành của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
Theo đó, cần quyết tâm cao thực hiện các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ. Trọng tâm chính sách là tiếp tục theo dõi, phân tích, dự báo thị trường cũng như sự thay đổi trong chính sách thương mại của các nước, các đối tác lớn để kịp thời có giải pháp ứng phó; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp lý về thương mại điện tử, giao dịch điện tử và kinh tế số; chú trọng khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới.
Trong điều kiện thị trường khó khăn vì tổng cầu giảm, lạm phát cao tại nhiều nền kinh tế lớn, doanh nghiệp xuất khẩu càng phải nhanh nhạy nắm bắt thông tin đề điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp tình hình thị trường. Các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA.