Củng cố các động lực tăng trưởng

NDO -

Các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh, bù đắp cho những tháng tăng trưởng thấp do giãn cách xã hội. Trọng tâm của chính sách hỗ trợ kinh tế trong năm 2022 là chính sách tài khoá và tiền tệ.

(Ảnh minh họa: Cầu Rồng tại thành phố Đà Nẵng).
(Ảnh minh họa: Cầu Rồng tại thành phố Đà Nẵng).

Ngày đầu tiên của năm mới 2022, ngành hàng không, du lịch đón tin vui mở lại một số đường bay quốc tế thường lệ đến các thị trường trọng điểm. Hàng không cất cánh mang theo hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trở lại “đường đua”, đưa khách quốc tế đến Việt Nam và nối lại công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần khôi phục cầu tiêu dùng.

Kích cầu đầu tư, tiêu dùng

Hàng không, du lịch là những ngành đầu tiên hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 kéo dài trong hai năm 2020-2021 nhưng lại chậm phục hồi nhất, kéo theo sự sụt giảm chung của lĩnh vực dịch vụ. Kế hoạch khởi động lại thị trường trong năm qua đã liên tục phải thay đổi do dịch bệnh Covid-19 trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường.

“Từ ngày 1/1/2022, ngành hàng không mở lại các đường bay quốc tế , khách du lịch đến Việt Nam dự kiến sẽ tăng cao, cùng với việc mở thêm các đường bay nội địa sẽ kích thích hoạt động du lịch, tạo sự lan tỏa đến các ngành lưu trú, ăn uống, bán lẻ hàng hóa và các dịch vụ khác.

Hoạt động vận tải hàng hóa cũng đang mở rộng thêm các hình thức mới, đặc biệt là ngành đường sắt đang có hình thức vận chuyển hàng hóa kết nối thương mại quốc tế linh động hơn, kỳ vọng tạo ra một trong những động lực lớn cho kinh tế Việt Nam phục hồi”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê phân tích.

Nhờ có sự chuyển hướng kịp thời trong chính sách phòng, chống dịch từ mục tiêu “Không Covid” sang thích ứng an toàn, từ quý 4/2021, hoạt động dịch vụ dần khôi phục trở lại khi các địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 4/2021 tăng 28,1% so với quý trước; vận chuyển hành khách tăng 48,4% và luân chuyển hành khách tăng 51,3%; vận chuyển hàng hóa tăng 31,8% và luân chuyển hàng hóa tăng 28,4%. Đây là những con số tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh hai năm liên tiếp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều có mức tăng trưởng âm.

Các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh, tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm để bù đắp cho những tháng tăng trưởng thấp do giãn cách xã hội. Chia sẻ tại một cuộc toạ đàm về công tác phòng chống dịch và thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điều hạnh phúc nhất hiện nay là các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng hóa để đưa ra thị trường.

“Đây là niềm hạnh phúc lớn lao vì qua suốt quá trình chống dịch, tôi không bao giờ nghĩ rằng dịp Tết năm nay được cùng toàn dân, cùng các doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm thiết yếu, nhất là với ngành lương thực, thực phẩm”, bà Lý Kim Chi nói.

Sự gia tăng của sức cầu cũng đến từ tác động của những chương trình khuyến mại lớn của các doanh nghiệp được thực hiện đồng loạt theo cả phương thức phân phối hiện đại và phương thức phân phối truyền thống.

Kết thúc năm 2021, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so năm trước. Tổng cục Thống kê nhận định, dòng vốn ngoại sôi động trở lại cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam. Vốn FDI tăng cao đặc biệt quý 4 là tiền đề quan trọng cho tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới vì đây là lĩnh vực thu hút hơn 50% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Trong tháng cuối cùng của năm 2021, sáu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tích cực kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ, ngành, địa phương. Với sự thay đổi chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 cùng các biện pháp nhằm tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công dự báo sẽ có nhiều cải thiện trong năm 2022.

Những quyết sách quan trọng

Đáng lưu ý, nhiều quyết sách quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô sẽ được ban hành, thông qua trong những ngày đầu tiên của năm 2022.

Nghị quyết về đề ra những nhiệm vụ, giải pháp điều hành cụ thể thực hiện ngay từ ngày đầu, quý đầu nhằm phấn đấu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội đề ra.

Nghị quyết về tiếp tục thực hiện cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ bỏ mọi rào cản trong huy động và sử dụng nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng. Các mục tiêu cải cách sẽ bám theo tiêu chí, thứ hạng của Việt Nam trên Bảng xếp hạng về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); Năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Trong tuần đầu tiên của năm mới, theo kế hoạch, Quốc hội họp bất thường dưới hình thức trực tuyến, xem xét bốn nội dung quan trọng do Chính phủ trình. Đó là dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật kinh tế và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Trọng tâm của chính sách hỗ trợ kinh tế trong năm 2022 là chính sách tài khoá và tiền tệ. Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, dự kiến gói miễn, giảm thuế, phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thể lên đến khoảng 60.000 tỷ đồng, gấp ba lần mức đã giảm trong năm 2021.

Quan trọng hơn, vấn đề nới trần nợ công, tăng bội chi để thực hiện các giải pháp mạnh mẽ phục hồi kinh tế được thảo luận ở cấp cao nhất để có nguồn lực đủ lớn cho chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.

Đó là cơ sở để tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế năm 2022, tạo đà cho phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.