Trải nghiệm cuối tuần

Cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội

Trong ca khúc "Tiến về Hà Nội", nhạc sĩ Văn Cao đã viết: "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…", những cửa ô của Hà Nội được nhiều người coi là biểu tượng của chiến thắng. Hà Nội ngày nay còn duy nhất cửa Ô Quan Chưởng. Đây là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Vẻ đẹp trầm mặc của Ô Quan Chưởng luôn thu hút khách du lịch.
Vẻ đẹp trầm mặc của Ô Quan Chưởng luôn thu hút khách du lịch.

Theo cuốn "Bắc thành dư địa chí" soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Năm 1831, khi Vua Minh Mạng cho thành lập "tỉnh Hà Nội", thì Hà Nội còn 16 cửa ô. Thời xưa, Thăng Long-Hà Nội được bao bọc bởi những bức tường thành, có những cổng thành để ra vào thành, mỗi cổng thành đều có vọng gác, chốt kiểm soát.

Người Hà Nội thường gọi những cổng thành này bằng cái tên thân quen là "cửa ô". Sang thời Pháp thuộc, khi cải tạo thành phố theo kiểu châu Âu, những cửa ô mất dần. Cửa ô duy nhất gần như vẹn nguyên, còn sót lại là Ô Quan Chưởng (quận Hoàn Kiếm).

Những cửa ô là một nét đặc sắc của Hà Nội cổ kính mà rất ít tỉnh, thành phố ở Việt Nam có được. Các cửa ô thường được đặt tên theo địa danh nơi xây dựng cửa. Cửa Ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm 1749, có tên chữ là Đông Hà Môn bởi đây là khu vực của phường Đông Hà trước kia. Cửa ô còn có tên khác là Thanh Hà Môn.

Thời Nguyễn, công trình đã được tu sửa nhiều lần. Người ta gọi cửa ô này là cửa Ô Quan Chưởng là để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của viên quan Chưởng Cơ - một chức quan nhỏ thời Nguyễn, người Bắc Ninh, đã cùng với khoảng 100 binh lính anh dũng chiến đấu chống quân Pháp khi chúng đánh vào thành Hà Nội lần thứ nhất (năm 1873) qua cửa Ô Đông Hà.

Ô Quan Chưởng nối khu vực bên ngoài thành với con phố chuyên buôn bán sản phẩm chiếu cói, sản phẩm của những vùng ven biển như: Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định… cho nên được đặt tên là phố Hàng Chiếu. Cửa Ô Quan Chưởng được thiết kế theo kiểu vọng lâu, gồm hai tầng. Tầng dưới có ba cửa, một cửa nằm chính giữa, cao và rộng khoảng 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên, rộng khoảng 1,65m, cao 2,5m. Cả ba cửa đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn.

Hiện nay di tích vẫn còn cánh cửa gỗ lớn, vốn xưa kia được đóng mở khi cần thiết. Tầng trên có vọng lâu bốn mái tại vị trí phía trên nóc cửa chính, chung quanh có lan-can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị. Đây chính là nơi lính gác quan sát. Ô Quan Chưởng được xây bằng những viên gạch vồ cỡ lớn, để mộc. Thời gian khiến những bức tường phủ đầy rêu phong, tạo nên nét đẹp cổ kính cho di tích.

Ô Quan Chưởng nằm trong Khu phố cổ Hà Nội. Từ đây có thể đi bộ ghé thăm một loạt di tích quan trọng khác ở phố cổ. So sánh với những hình ảnh tư liệu cũ được chụp cách đây hàng trăm năm, Ô Quan Chưởng là một trong số ít những di tích gần như còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp cổ xưa.

Cùng với những công trình như: Tháp Rùa, chùa Một Cột, Khuê Văn Các…, Ô Quan Chưởng được biết đến như một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.