PGS,TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực trạng, sau khi đã căng mình nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh lại phải đối mặt với những thử thách đang ảnh hưởng nặng nề đối với chính mình.
Cụ thể, vấn đề đãi ngộ đối với người làm công tác y tế là một vấn đề đã được nêu lên từ lâu, nhưng hiện nay đã đến lúc trở thành nguy kịch khi nhiều nhân viên y tế ở tất cả các cấp, chủ yếu ở các cơ sở công lập đã bỏ nhiệm sở vì lý do thu nhập không đủ để bảo đảm cho cuộc sống.
Theo bà Dung, từ lúc có chủ trương xã hội hóa chăm sóc y tế, nhiều vấn đề đã phát sinh do những quy định chưa rõ ràng, hành lang pháp lý còn mơ hồ. Những lỗ hổng trong các khâu quản lý và giám sát kiểm tra đã dẫn đến vận dụng sai, có cố ý hay không cố ý.
Điều này dẫn đến hậu quả đau lòng là nhiều nhà trí thức, thầy thuốc ưu tú của ngành y đã mắc phải sai phạm và vướng vào vòng lao lý, làm giảm niềm tin của người dân vào giới y tế, thầy thuốc…
“Chúng tôi mong Quốc hội xem xét đề xuất những giải pháp thiết thực, có hiệu quả để giúp ngành y tế vượt qua giai đoạn bất an và bất ổn hiện nay; củng cố niềm tin trong ngành, ngoài xã hội để tiếp tục sự nghiệp chăm lo sức khỏe cho nhân dân, nhất là trong tình hình hiện nay, khi các bệnh dịch còn đang tiếp tục hoành hành”, PGS,TS Nguyễn Thị Ngọc Dung đề nghị.
PGS,TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý-Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình Kỳ họp thứ tư của Quốc hội sắp tới kéo dài 28 ngày với rất nhiều nội dung. Như vậy, áp lực về thời gian của các đại biểu Quốc hội rất lớn, thậm chí không có nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu.
Do vậy, việc thông qua luật và cho ý kiến về các dự án luật (công việc chủ yếu của đại biểu Quốc hội) sẽ gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế này, PGS,TS Đinh Phương Duy đề nghị, Quốc hội tăng cường đại biểu chuyên trách ở địa phương, chứ không chỉ ở các cơ quan của Quốc hội, giảm bớt các đại biểu được Trung ương giới thiệu về ứng cử ở địa phương tại các lần bầu hoặc cải tiến cách thức tiếp xúc cử tri để lắng nghe các ý kiến đa dạng, nhiều chiều. Dành thời gian nhiều hơn cho việc nghiên cứu, cho ý kiến để thông qua các luật và đại biểu chịu trách nhiệm cá nhân về phiếu biểu quyết của mình.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học thành phố, cho biết, Hội Tin học đề xuất Luật Công nghiệp công nghệ số ban hành cần mang tính khả thi, để Luật đi vào thực tiễn hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể nghiên cứu, phát triển và cung cấp ra thị trường các sản phẩm công nghệ số mới chưa có trong quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung.
Nhiều cử tri, các nhà khoa học cũng nêu lên một số tồn tại, bất cập đang xảy ra và tác động trực tiếp đến đời sống xã hội như: tình trạng lạm thu đầu năm học cần được ngành giáo dục chấn chỉnh mạnh tay, xem xét tăng biên chế công chức cho Thành phố Hồ Chí Minh vì hiện nay cán bộ, công chức ở các phường, xã, thị trấn rất thiếu, không đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển của một thành phố đầu tầu cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh…