Thừa Thiên Huế phát triển công nghiệp văn hóa

Thừa Thiên Huế có rất nhiều thế mạnh trong việc phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên tiềm năng, lợi thế và mang bản sắc riêng. Với kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được khẳng định, tôn vinh, các lễ hội, nghề thủ công, ẩm thực cùng môi trường tự nhiên, cảnh quan... địa phương này đang từng bước hình thành phát triển ngành công nghiệp văn hóa di sản, qua đó đem lại những giá trị kinh tế bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Sự phát triển của thành phố Huế đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Bộ và sự phát triển chung của đất nước. (Ảnh LÊ HOÀNG)
Sự phát triển của thành phố Huế đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Bộ và sự phát triển chung của đất nước. (Ảnh LÊ HOÀNG)

Huế là Kinh đô xưa và hiện là Thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, là trung tâm văn hóa-du lịch đặc sắc của cả nước. Thừa Thiên Huế đang phát triển để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô với đặc trưng văn hóa, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Nhiều dư địa phát triển

Trong lịch sử, Huế từng là trung tâm văn hóa-chính trị của xứ Đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn (1558-1777), vào thời Tây Sơn (1778-1802). Giai đoạn tiếp theo, Huế là Kinh đô - trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo của Việt Nam dưới triều Nguyễn (1802-1945).

Trải qua thời gian, với sự kế thừa những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa kết hợp với tinh hoa văn hóa các triều đại quân chủ đã kết tinh trong lòng cố đô Huế một kho tàng di sản đồ sộ; trong đó có tám di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu đã được UNESCO vinh danh, bao gồm: Quần thể Di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế.

Thừa Thiên Huế có gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có ba di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh và ba di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thừa Thiên Huế có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và đa dạng, thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và đóng góp thiết thực vào lĩnh vực này của cả nước. Di sản ở Huế hòa quyện trong sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Huế đã thể hiện rõ tầm vóc, giá trị, trở thành động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Huế là văn hóa đặc sắc trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam. Sự đan xen, hòa quyện giữa nhiều sắc thái văn hóa đậm đà với vẻ đẹp mộng mơ của sông Hương, núi Ngự Bình, phá Tam Giang, vịnh Lăng Cô, vườn quốc gia Bạch Mã cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ khác đã làm nên đặc trưng, phong vị riêng, không nơi nào có được của văn hóa Huế. Những đặc trưng, phong vị đó được kết tinh sâu lắng trong hệ thống giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, từ kiến trúc, âm nhạc, tín ngưỡng, lễ nghi, đến ẩm thực, ngành nghề thủ công truyền thống…, trở thành niềm tự hào của văn hóa Việt Nam và được thế giới tôn vinh, công nhận.

Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị khóa XII đã xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh. Di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng và góp phần quảng bá, tạo nền tảng cho phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là công tác tu bổ, trùng tu di tích đã được triển khai thuận lợi trên cơ sở lưu trữ ngân hàng dữ liệu bằng công nghệ số. Trung tâm đã triển khai xây dựng chương trình 3D cho khu vực Thế Miếu - Hiển Lâm Các dưới dạng mô hình kỹ thuật số ba chiều có độ chính xác cao, thực hiện kỹ thuật scan 3D trong hoạt động trùng tu di tích; phối hợp với Viện Công nghệ cao Hàn Quốc (KAIST) thực hiện quét và dựng phim quảng bá giới thiệu việc tái tạo Hoàng thành Huế và di tích Hổ Quyền bằng công nghệ 3D, triển khai chương trình thực tế ảo "Đi tìm hoàng cung đã mất"... Bên cạnh đó, Trung tâm đang phối hợp với Công ty VietSoftPro và AGS xây dựng kế hoạch số hóa các dữ liệu văn hóa, du lịch; triển khai rộng rãi các ứng dụng App Ca Huế, Quản lý quảng cáo, du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số đang triển khai tại Thừa Thiên Huế như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping...

Ngoài ra, văn hóa ẩm thực Huế cũng thu hút du khách bởi sự đa dạng, độc đáo, tinh tế trong cách chế biến và trình bày với ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay được bảo lưu và gìn giữ một cách sống động.

Thừa Thiên Huế cũng đã và đang rất thành công trong việc phát triển công nghiệp văn hóa thông qua điện ảnh. Nhiều nhà làm phim đã lựa chọn Huế là điểm đến để thực hiện các cảnh quay tạo được sức lan tỏa, quảng bá lớn, tiêu biểu như: Truyền hình Studio Lambert Associates (Anh), Đài truyền hình NHK (Nhật Bản), Công ty CyArk (Mỹ), Công ty sản xuất chương trình truyền hình FASAD (Thụy Điển), Kênh truyền hình Intrepido Films (Tây Ban Nha)…

Thừa Thiên Huế phát triển công nghiệp văn hóa ảnh 1
Sân khấu hóa tái hiện lễ Ban Sóc (ban lịch) triều Nguyễn tại kinh thành Huế.

Phát triển theo xu thế thời đại

Việc xây dựng và phát triển văn hóa-nghệ thuật Thừa Thiên Huế được đặt trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, giúp các ngành công nghiệp văn hóa hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong quá trình hợp tác quốc tế, Thừa Thiên Huế đã chú trọng trao đổi, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm bảo tồn, gìn giữ, tu bổ di sản văn hóa.

Đây cũng là địa phương đi đầu trong kỹ thuật phục dựng, gia cố và bảo tồn các di sản văn hóa vật thể. Gần đây, Thừa Thiên Huế đã được rất nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá, xếp hạng, đó là Thành phố Văn hóa ASEAN, Top 10 thành phố điểm đến hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương; Vịnh Lăng Cô tham gia Top 30 Vịnh đẹp thế giới, ẩm thực Huế vừa được vinh danh xếp thứ 28/100 thành phố có nền ẩm thực ngon nhất thế giới...

Theo đánh giá của UNESCO, việc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho rằng, Huế đang xây dựng thương hiệu "Huế - Kinh đô Áo dài", tạo ra cơ hội khởi nghiệp cho giới trẻ khi tham gia vào quá trình sản xuất, cung ứng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm áo dài Huế đến với cộng đồng người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

"Thừa Thiên Huế sẽ được rất nhiều nếu phát triển công nghiệp văn hóa đúng nghĩa. Giàu có nhờ lợi thế văn hóa di sản, sang trọng lên vì thương hiệu và thật sự trở thành một thành phố đáng sống. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, góp phần mang văn hóa Huế ra với thế giới", ông Hải nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, Thừa Thiên Huế xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một lợi thế đặc thù, dẫn đến sự ra đời của ngành kinh doanh mới, các cấu trúc quản lý mới gắn với thị trường, tạo môi trường cho sự năng động, sáng tạo, đổi mới, kích thích tài năng; giảm sự phụ thuộc vào cơ chế, đồng thời góp phần gia tăng hơi thở cuộc sống hiện đại và tính bền vững của văn hóa. Chính các giá trị văn hóa Huế, từ di sản kiến trúc cung đình, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, ẩm thực, áo dài, nghề thủ công truyền thống vốn có đã là nguyên liệu tuyệt vời để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng vào việc thực hiện công nghiệp văn hóa tại địa phương.

"Duy trì Festival Huế theo hướng tổ chức bốn mùa lễ hội với nhiều chủ đề sáng tạo. Tăng cường công tác giao lưu, trao đổi văn hóa, các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa được kết nối, triển khai đồng bộ, thuận lợi... Tỉnh cũng có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư, xã hội hóa để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa...", ông Phương cho biết.