Cứ nghĩ về một phía thì dễ nản

Thú thật, tôi tự thấy mình chỉ là người bình thường, rất bình thường. Vợ tôi, ngày còn sống, cũng là một phụ nữ hết sức bình thường. Nhưng cô ấy có lòng tốt, một lòng tốt cũng bình thường. Và khi người phụ nữ đối đãi với cộng đồng bằng lòng tốt của mình, thì tôi thấy, gia đình tôi sống rất dễ chịu, dù chẳng khá giả hay giàu có gì.
0:00 / 0:00
0:00

Phải chăng, từ cuộc sống cụ thể như thế, dần dà tôi cảm thấy mình có đức tin. Nó đến từ đâu, từ lúc nào, tôi cũng không biết, nhưng điều ấy giúp vợ chồng tôi cân bằng cuộc sống, và chúng tôi vui vì sống có niềm tin, tin vào những điều tốt đẹp, vào những con người tốt đẹp. Rồi tự nhiên, thấy thật nhẹ lòng.

Hằng ngày, cứ lên mạng là gặp bao chuyện buồn lòng, lại gặp rất nhiều người dạy dỗ mình phải sống thế này thế khác.

Có những câu chuyện đời, hiểu tận cùng ý nghĩa của nó không hề là chuyện dễ. Nhưng nếu mình cứ hiểu một cách giản dị, như ông bà mình hiểu khi nghe hay đọc truyện cổ tích, khi nghe kể về Lục Vân Tiên... thì cách hiểu ấy lại giúp cho chúng ta sống tốt hơn, nhân ái hơn, và thừa nhận, thậm chí chấp nhận, ở đời vẫn có những chuyện xấu, những người xấu, đó như một sự cân bằng của đời sống, của xã hội.

Vợ tôi, may quá, lúc còn sống, cô ấy không biết lên mạng (không dùng internet), cho nên chỉ nghe bạn bè, em út kể lại “chuyện trên mạng” thôi. Và giống như tôi, vợ tôi cũng không nghĩ đời chỉ hiện ra từ một phía, phía cái xấu cái ác, phía những điều chẳng hề dễ chịu, phía có thể khiến mình hoang mang, thậm chí mất phương hướng. Chúng tôi vẫn sống bình thường, như bao người dân lương thiện bình thường vẫn sống.

Hồi xưa, có vài câu ca dao đời mới tôi nghe rất vui, rất dễ chịu. Chẳng hạn: “Làm sao cũng chẳng làm sao/Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi”... Tôi nghĩ câu đùa vui đó nói về sự cân bằng trong tâm trí, sự bình ổn trong tâm hồn, chứ không phải chuyện cụ thể, như mình có thể làm sai mà vẫn không sao cả.

Có những câu chuyện đời, hiểu tận cùng ý nghĩa của nó không hề là chuyện dễ. Nhưng nếu mình cứ hiểu một cách giản dị, như ông bà mình hiểu khi nghe hay đọc truyện cổ tích, khi nghe kể về Lục Vân Tiên... thì cách hiểu ấy lại giúp cho chúng ta sống tốt hơn, nhân ái hơn, và thừa nhận, thậm chí chấp nhận, ở đời vẫn có những chuyện xấu, những người xấu, đó như một sự cân bằng của đời sống, của xã hội. Bây giờ có rất nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhiều thứ thông minh, nhiều phần mềm có thể giúp cho con người làm được rất nhiều việc, kể cả những việc mang tính lừa đảo.

Nhưng nếu ta nghĩ theo hướng này: Những sáng tạo kỹ thuật cao của nhân loại đã giúp cho nhiều người lương thiện có cơ hội làm được bao nhiêu việc tốt cho xã hội, giúp đỡ được bao nhiêu con người khốn khổ. Nếu nghĩ về hướng tốt đẹp ấy, ta cảm thấy nhẹ lòng biết bao, phải không ạ?!

Vừa rồi tôi đọc trên báo mạng một bài viết về mạng xã hội Việt Nam, có những người “chơi phây” (Facebook) khi biết chuyện một vị khách du lịch Mexico, sang Hà Nội đã ở tới 21 ngày (dự định ban đầu chỉ ở 10 ngày), và anh mua rất nhiều quà lưu niệm thú vị ở Hà Nội.

Nhưng khi ra sân bay Nội Bài thì con ngựa vàng mã anh mua do quá khổ cho nên hãng hàng không Emirates (hãng vận chuyển vị du khách này) không cho lên máy bay, đành bỏ lại sân bay.

Cư dân mạng biết chuyện này đã hò nhau ủng hộ bằng cách tìm mua một con ngựa giấy thật đẹp, gần giống với con ngựa giấy anh chàng Mexico đã mua, và gửi qua đường bưu điện cho người khách du lịch quá yêu Việt Nam. Dĩ nhiên, con ngựa giấy sẽ tới tay người nhận. Những người sử dụng mạng xã hội như vậy thì đẹp quá.

Vì thế, chỉ nghĩ về một phía, dù là phía nào, cũng có thể chưa đủ. Cứ bình thường sống, có niềm tin vào những điều tốt đẹp, vào những con người tốt đẹp, thì sẽ có niềm vui. Và sẽ hạnh phúc khi biết chuyện con ngựa giấy Việt Nam đã sang châu Âu theo cách nào (du khách không về thẳng Mexico mà còn đến nước Pháp một thời gian).

Xin cảm ơn những người Việt Nam đã quảng bá cho văn hóa đất nước mình bằng một hành động nhân ái, nhân văn đến như vậy.