Quá trình chuyển sang kinh tế phát thải carbon thấp cần 3.000 tỷ USD mỗi năm

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, từ nay đến năm 2050, quá trình chuyển đổi toàn cầu sang nền kinh tế phát thải carbon thấp cần 3.000 tỷ USD/năm, cao hơn nhiều so với mức đầu tư hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Khói bốc lên từ nhà máy hóa chất và công nghiệp dược phẩm Bayer ở Pratteln, Đức ngày 8/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên từ nhà máy hóa chất và công nghiệp dược phẩm Bayer ở Pratteln, Đức ngày 8/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lưu ý rằng, việc đáp ứng mức chênh lệch nói trên sẽ là cơ hội kinh tế lớn nhất trong thế kỷ 21.

Phát biểu tại thành phố Belem, Brazil, bà Yellen cho rằng việc đạt mục tiêu khí thải ròng bằng 0 vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Mỹ. Theo quan chức này, việc thực hiện mục tiêu trên cần có sự hợp tác của Brazil.

Trong bài phát biểu sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro, bà Yellen nhấn mạnh việc né tránh giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và thiệt hại của tự nhiên và đa dạng sinh học không chỉ là chính sách yếu kém về môi trường mà cả kinh tế.

Các nền kinh tế giàu có đã hỗ trợ và huy động khoản tài chính khí hậu trị giá 116 tỷ USD cho các nước đang phát triển vào năm 2022, với 40% trong số này đến từ các ngân hàng phát triển đa phương. Một số ngân hàng như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) đã đề ra các mục tiêu mới.

Bà Yellen nhận định, việc đáp ứng nhu cầu tài chính là cơ hội kinh tế lớn nhất của thế kỷ 21, có thể là đòn bẩy để hỗ trợ tăng trưởng toàn diện và bền vững, cho cả những nước đang "khát đầu tư".

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính của các nước thuộc lưu vực Amazon, Chủ tịch IDB Ilan Goldfajn, bà Yellen đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với nền tảng Amazonia Forever của IDB - vốn cung cấp cách tiếp cận toàn diện cho phát triển bền vững trong khu vực thông qua hỗ trợ tài chính, chuẩn bị dự án và hợp tác. Bà bày tỏ hy vọng chương trình sẽ thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào khu vực này.

Theo quan chức trên, các ngân hàng nên tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới để huy động đầu tư hỗ trợ bảo vệ tự nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời củng cố các nền kinh tế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự kiến Belem, thủ phủ của bang Para, sẽ đăng cai Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi Khí hậu (COP30) vào năm 2025.

Trong khi đó, theo kế hoạch công bố cuối tháng 5/2024 của Chính phủ Trung Quốc, nước này đặt mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 từ các ngành công nghiệp trọng điểm bằng khoảng 1% tổng lượng khí thải quốc gia năm 2023, thông qua việc cải thiện hiệu suất trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất thép đến giao thông vận tải.

Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới và là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất, cũng đặt ra mục tiêu cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng cho tăng trưởng kinh tế.

Kế hoạch hành động của Chính phủ cho biết, nền kinh tế Trung Quốc sẽ cần giảm 2,5% năng lượng trên mỗi đơn vị tăng trưởng GDP trong năm 2024. Kế hoạch đề xuất để đạt được mục tiêu đó là thúc đẩy những thay đổi cụ thể trong các ngành công nghiệp, bao gồm vật liệu xây dựng và hóa dầu.

Năm 2023, Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu về cường độ năng lượng, và mong muốn cắt giảm khí thải và tiêu thụ năng lượng của nước này thường mâu thuẫn với nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống.

Nghiên cứu viên cao cấp Lauri Myllyvirta tại Viện Chính sách Hiệp hội châu Á cho biết lượng khí thải CO2 của Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh vào năm 2023, phản ánh tăng trưởng nhu cầu dầu chậm chạp và sự mở rộng của năng lượng gió, Mặt trời và sản xuất điện gió. Mục tiêu chính thức của Trung Quốc vẫn là đạt đỉnh khí thải CO2 trước năm 2030.

Kế hoạch này nhắc lại mục tiêu các nguồn năng lượng phi hóa thạch sẽ chiếm khoảng 20% tổng sử dụng năng lượng của Trung Quốc vào năm 2025, tăng so với mục tiêu khoảng 18,9% của năm nay.

Trung Quốc sẽ "kiểm soát chặt chẽ" việc tiêu thụ than, "kiểm soát hợp lý" tiêu thụ dầu mỏ và thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu hàng không bền vững.

Đối với khí tự nhiên, được Chính phủ Trung Quốc coi là cầu nối để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, kế hoạch trên kêu gọi đẩy nhanh phát triển các nguồn tài nguyên như khí đá phiến và khí methane mỏ than để tăng cường nguồn cung trong nước. Chính phủ cũng sẽ ưu tiên sử dụng khí đốt để sưởi ấm mùa đông cho các hộ gia đình.

Kế hoạch đề xuất trên kêu gọi xây dựng các tổ hợp điện tái tạo quy mô lớn và phát triển điện gió ngoài khơi để các nguồn năng lượng phi hóa thạch chiếm khoảng 39% tổng sản lượng điện vào năm 2025, tăng so với 33,9% vào năm 2020.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng giới hạn về việc cắt giảm năng lượng tái tạo từ 5% lên 10%, và dự kiến đẩy nhanh xây dựng các đường dây siêu cao áp và nâng cấp hệ thống lưới điện để giải quyết vấn đề cắt giảm.

Trung Quốc cũng sẽ dần loại bỏ các hạn chế đối với việc mua xe điện mới trên tất cả các vùng miền của đất nước và sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ các loại xe này.

Còn tại nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ đạo các quan chức chính phủ xây dựng chính sách công nghiệp và khử carbon quốc gia đến năm 2040. Động thái nhằm đạt được đặt mục tiêu cắt giảm khí thải trong khi thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như chất bán dẫn.

Thủ tướng Kishida đã thúc giục các cuộc thảo luận toàn diện về chuyển đổi nền kinh tế và xã hội để “vạch ra một lộ trình thực tế cho khu vực công và tư nhân hướng tới quá trình khử carbon".

Chiến lược công nghiệp mới được biên soạn trong năm nay sẽ là chiến lược đầu tiên của Nhật Bản hướng tới năm 2040. Chiến lược sẽ tập trung vào 4 nội dung cốt lõi gồm nguồn cung năng lượng, vị trí của các ngành công nghiệp, cơ cấu công nghiệp và tạo lập thị trường. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể lập kế hoạch đầu tư phù hợp trong dài hạn.

Động thái thúc đẩy này diễn ra khi Nhật Bản đang thu hút đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, nhà máy bán dẫn và những doanh nghiệp khác có nhu cầu năng lượng lớn. Theo một ước tính, mức tiêu thụ điện của Nhật Bản có thể tăng 35-50% so với mức hiện tại vào năm 2050. Các chuyên gia đã kêu gọi Chính phủ đi đầu trong việc thúc đẩy những nguồn năng lượng phi carbon để bảo đảm đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Các địa điểm thích hợp cho những trang trại năng lượng mặt trời và gió ở Nhật Bản tập trung ở một số khu vực, bao gồm Hokkaido và Kyushu. Nhật Bản sẽ xem xét việc tạo ra các trung tâm công nghiệp xanh ở những khu vực này.

Chính phủ Nhật Bản coi quá trình khử carbon là động lực kinh tế quan trọng. Chính phủ nước này đã xây dựng “Chiến lược thúc đẩy chuyển đổi xanh” vào năm 2023, bao gồm việc thông qua kế hoạch rót 20.000 tỷ Yen (128 tỷ USD) vào lĩnh vực này vào năm tài chính 2032. Mục tiêu là hiện thực hóa tổng cộng hơn 150.000 tỷ Yen đầu tư của khu vực công và tư nhân vào công nghệ và cơ sở vật chất mới.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang nghiên cứu một khuôn khổ chi tiết về hệ thống giao dịch khí thải, dự kiến triển khai toàn diện vào năm tài chính 2026. Hệ thống có thể yêu cầu các doanh nghiệp phát thải cao như tiện ích, nhà sản xuất thép và các công ty hóa chất tham gia vào chương trình này.