COP26 cam kết hành động thiết thực để thích ứng với biến đổi khí hậu

NDO -

Theo báo cáo kết quả làm việc của COP26 ngày 2/11 đăng trên website chính thức của hội nghị này, các cam kết tại COP26 đã tập trung vào những hành động thiết thực để hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng, hỗ trợ các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SID) và châu Phi thích ứng với biến đổi khí hậu.  

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại một hội nghị trong khuôn khổ COP26. (Ảnh: COP26)
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại một hội nghị trong khuôn khổ COP26. (Ảnh: COP26)

Các quốc gia từ Canada, Nga, Brazil tới Trung Quốc, Colombia, Indonesia, Cộng hòa Congo đều tán thành Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Cùng chung tay, những nước này sẽ hỗ trợ 85% diện tích rừng trên thế giới, khu vực rộng hơn 33,6 triệu km2, giúp hấp thu khoảng 1/3 lượng CO2 được thải ra trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch hằng năm. 

Ngoài ra, giám đốc điều hành của hơn 30 tổ chức tài chính với hơn 8,7 nghìn tỷ USD tài sản toàn cầu, trong đó có Aviva, Schroders và Axa, đã cam kết từ bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng. 

COP26 cam kết hành động thiết thực để thích ứng với biến đổi khí hậu -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh chung cùng các nước tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất tại sự kiện “Hành động về rừng và sử dụng đất”. (Ảnh: TTXVN) 

"Rừng là một trong những hệ thống bảo vệ tốt nhất trước thảm họa biến đổi khí hậu và đóng vai trò thiết yếu để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức ở 1,5 độ C. Cam kết lịch sử này sẽ giúp chấm dứt tác động khủng khiếp của nạn phá rừng và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, cộng đồng bản địa - những người góp công lớn bảo vệ rừng trên thế giới".

- Ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 -

Ngày 2/11 cũng đánh dấu lần đầu tiên một kỳ COP trong những năm gần đây tổ chức sự kiện lớn về khí methane, với sự tham gia của 105 quốc gia (trong đó có 15 nước phát thải lớn như Brazil, Nigeria và Canada), ký kết Cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu. Cam kết lịch sử do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng nước chủ nhà Anh dẫn dắt này đặt ra mục tiêu cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Hơn 35 nhà lãnh đạo trên thế giới cũng ủng hộ và tham gia Chương trình nghị sự đột phá mới của Glasgow. Theo đó, các quốc gia và doanh nghiệp sẽ hợp tác để đẩy nhanh và mở rộng đáng kể quy mô phát triển và triển khai công nghệ sạch và giảm chi phí ngay trong thập kỷ này. Các bên tham gia gồm có Mỹ, Ấn Độ, EU, các quốc gia đang phát triển cũng như một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. 

Mục đích của chương trình này là giúp các công nghệ sạch trở thành sự lựa chọn có giá cả hợp lý nhất, dễ tiếp cận nhất và hấp dẫn nhất đối với tất cả người dân trên toàn cầu trong các lĩnh vực dễ gây ô nhiễm nhất vào năm 2030. Các công việc sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính: năng lượng, vận tải đường bộ, hydro, sắt và nông nghiệp - các lĩnh vực chiếm hơn 50% tổng lượng khí thải toàn cầu. 

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo của Anh, Mỹ, Pháp, Đức và EU đã tuyên bố quan hệ đối tác mang tính đột phá để hỗ trợ Nam Phi. Trong tuyên bố, các nước nêu rõ thỏa thuận này giúp bảo đảm "sự chuyển đổi công bằng" cho nền kinh tế vốn phụ thuộc vào than đá của Nam Phi. Các nhà tài trợ sẽ cung cấp khoản tiền ban đầu trị giá 8,5 tỷ USD trong từ 3 đến 5 năm tới, thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi, các khoản đầu tư và các công cụ chia sẻ rủi ro. Thỏa thuận, đi kèm với hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt tập trung vào việc chuyển đổi hệ thống sản xuất điện của Nam Phi.

Trước đó, ngày 1/11, Ấn Độ, Thái Lan, Nepal, Nigeria và Việt Nam đã đưa ra cam kết mới về giảm phát thải ròng về 0. Như vậy, đến nay những cam kết đưa phát thải ròng về 0 đã bao phủ 90% nền kinh tế toàn cầu. 

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu