Công tác dân vận ở Hà Nam đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Hà Nam có nhiều đổi mới trong công tác dân vận theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Công an tỉnh Hà Nam hướng dẫn sinh viên Trường cao đẳng nghề Hà Nam kích hoạt định danh điện tử.
Công an tỉnh Hà Nam hướng dẫn sinh viên Trường cao đẳng nghề Hà Nam kích hoạt định danh điện tử.

Trong toàn tỉnh và ở khắp các lĩnh vực, thi đua “Dân vận khéo” trở thành phong trào thường xuyên và sâu rộng gắn với những nhiệm vụ trọng tâm mà cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hay những vấn đề mới, khó khăn, phức tạp ở cơ sở.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 1.200 mô hình “Dân vận khéo” đã trải qua giai đoạn “sàng lọc” trong thực tiễn, có hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng, thu hút đông đảo người dân tham gia hưởng ứng; trong đó, mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” được triển khai sâu rộng nhất từ năm 2019, đến nay đã đi vào nền nếp, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Cụ thể hóa tinh thần trọng dân, vì dân

Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã được Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức triển khai thực hiện qua nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng, giai đoạn 2021-2025 (Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 9/11/2021).

Đồng chí Đinh Văn An, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Tỉnh ủy xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, đồng bộ. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng ban.

Ở các cấp huyện, xã cũng thành lập ban chỉ đạo do đồng chí Phó Bí thư Thường trực cấp ủy làm trưởng ban. Ban chỉ đạo các cấp đã tập trung quán triệt, triển khai, hướng dẫn xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” sát với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với đặc điểm của từng ngành, địa phương, đơn vị, bảo đảm phát huy được tinh thần vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Ở cấp tỉnh, mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” do Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng và hướng dẫn thực hiện với trọng tâm là chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thực hiện tốt chế độ “Tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân”, thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”…

Khi mô hình được triển khai ở tất cả các cấp chính quyền, các nội dung chỉ đạo tiếp tục được cụ thể hóa để việc thực hiện bảo đảm thực chất; nhất là ở cấp xã, nơi mà cán bộ, công chức luôn tiếp xúc với người dân thì tinh thần trọng dân, vì dân được quán triệt qua khẩu hiệu “5 biết”, “3 thể hiện” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn), (tôn trọng trong quan hệ giao tiếp; văn minh lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc; gần gũi trong quan hệ, giải quyết công việc nhanh chóng). Tất cả cán bộ, công chức cấp xã và các bộ phận liên quan (bao gồm cả công an, quân sự) đều có bản cam kết thực hiện các nội dung này.

Có mặt tại bộ phận một cửa của UBND xã Liêm Chung (thành phố Phủ Lý), chúng tôi ấn tượng trước không gian làm việc khang trang, sạch đẹp, bố trí khoa học với đầy đủ thiết bị hiện đại, có camera giám sát.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Hoành, xã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng việc xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, đồng thời triển khai phần mềm hóa đơn điện tử.

Một đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã được phân công trực tại bộ phận một cửa để hướng dẫn và kiểm tra các hoạt động công vụ. Toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính đã được bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết đúng hẹn.

Trong quá trình giải quyết, cán bộ, công chức luôn giữ ý thức có thái độ làm việc tôn trọng, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, gần gũi khi tiếp xúc với người dân. Sự phản hồi, đánh giá về quá trình này được người dân thực hiện trên máy tính bảng (iPad) tại quầy giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài việc đổi mới lề lối làm việc ở bộ phận một cửa, lãnh đạo xã cùng cán bộ, công chức thường xuyên xuống địa bàn thôn để tham gia hoạt động với người dân như: Đo đạc, kiểm đếm trong công tác giải phóng mặt bằng; thẩm tra, xác minh các đối tượng bảo trợ xã hội; rà soát hộ nghèo, cận nghèo; kiểm tra nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công…; qua đó kịp thời giải quyết trong thẩm quyền các kiến nghị, đề xuất của nhân dân ngay tại cơ sở.

Do đặc thù công việc liên quan đến nhiều mặt đời sống nhân dân, Công an tỉnh Hà Nam đã có nhiều mô hình, phong trào thiết thực như: Kết nối zalo vì bình yên cuộc sống; tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội, tuyên truyền, vận động nhân dân lắp camera an ninh…

Lực lượng công an từ cấp tỉnh đến cơ sở luôn chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp sáng tạo để các mô hình đạt hiệu quả cao.

Điển hình là để dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã phân công cán bộ, chiến sĩ đến làm thủ tục thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) tại nhà theo lịch hẹn thời gian cụ thể và thành lập 11 tổ công tác lưu động đi đến các tỉnh, thành phố để thu nhận hồ sơ CCCD cho công dân Hà Nam đang sinh sống, làm việc ở các địa phương; bảo đảm khẩn trương cấp đủ, trả đủ CCCD gắn chíp cho người dân đến tuổi, cấp nhanh nhất, phủ nhanh nhất định danh điện tử, giúp người dân thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Thượng tá Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Công tác đảng, công tác chính trị khẳng định: Nhờ triển khai những hoạt động công vụ linh hoạt, thiết thực vì dân nêu trên mà Hà Nam trở thành đơn vị cấp tỉnh đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chíp điện tử cho công dân.

Tính đến 22/4/2023, toàn bộ 6 đơn vị cấp huyện và 109 đơn vị cấp xã đã hoàn thành việc cấp CCCD cho công dân trên địa bàn (gồm 754.277 hồ sơ), góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, thúc đẩy các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng để người dân sớm được hưởng những tiện ích thiết thực.

Lan tỏa tinh thần trọng dân, vì dân, các ngành, địa phương trong tỉnh đều có những mô hình ý nghĩa, xuất phát từ thực tiễn đời sống, vì chất lượng sống của nhân dân và thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; có thể kể đến như:

Sở Công thương với mô hình “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử”; Huyện ủy Bình Lục với mô hình “Ngày thứ 7 với dân”; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có mô hình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có mô hình “Cùng em đến trường”; Hội Cựu chiến binh xã Đức Lý (huyện Lý Nhân) có mô hình “Tiếng kẻng an ninh”…

Hiện thực hóa quyền giám sát của nhân dân

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh, nhận thức về vai trò, vị trí của công tác dân vận và trách nhiệm thực hiện công tác này trong toàn hệ thống chính trị được nâng lên.

Thông qua thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có những chuyển biến rõ nét về ý thức trách nhiệm, tác phong công tác; nhất là thực hiện “5 biết”, “3 thể hiện” và tăng cường các hoạt động tiếp xúc với nhân dân, mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân thêm gắn kết, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo sự tin cậy và đồng thuận của nhân dân.

Từ năm 2021 đến năm 2023, UBND cấp xã trong toàn tỉnh đã tổ chức 930 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân (trong đó có 376 hội nghị đột xuất).

UBND cấp xã cũng đã thực hiện gửi hơn 26.300 thư chúc mừng tới gia đình có thành viên mới, hơn 11.800 thư chúc mừng kết hôn, hơn 13.200 thư chia buồn, 118 thư xin lỗi và 3.895 thư cảm ơn; giải quyết thủ tục hành chính tại nhà cho 4.433 lượt công dân là những người già, ốm đau, bệnh tật, khó khăn trong đi lại. Định kỳ hằng tuần, tháng, chính quyền cấp xã tổ chức hàng nghìn lượt cán bộ xuống tham gia các hoạt động với người dân tại cơ sở và chỉ đạo giải quyết những vụ việc phát sinh.

Đồng chí Đinh Văn An, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chia sẻ: Để phong trào thi đua thực chất, tránh tình trạng có lúc, có nơi nặng tính hình thức, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị thường xuyên rà soát đánh giá các mô hình “Dân vận khéo”, loại bỏ những mô hình hoạt động kém hiệu quả.

Đối với mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, hiệu quả không chỉ được ghi nhận ở mức độ hài lòng của người dân mà còn có ý nghĩa xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Những nội dung yêu cầu cụ thể của mô hình có thể coi như là việc lượng hóa các tiêu chuẩn, thể chế hóa nguyên tắc làm việc của cán bộ, công chức; trên cơ sở đó nhân dân quan sát, phản ánh, đánh giá, kiến nghị.

Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng các mẫu phiếu khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức UBND xã và các đơn vị đã triển khai khảo sát nghiêm túc.

Việc giám sát hoạt động mô hình này được tỉnh quan tâm, chỉ đạo đưa vào chương trình giám sát thường xuyên của HĐND đối với UBND cùng cấp. Thông qua những hình thức đó, người dân phát huy được vai trò giám sát của mình, góp phần tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 2021-2023, ghi nhận, biểu dương những kết quả, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong thời gian tới tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo cách thức tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở và trong từng cơ quan, đơn vị; triển khai thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, quán triệt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đồng chí nhấn mạnh: Những việc liên quan đến đời sống cộng đồng dân cư phải được nhân dân thảo luận, bàn bạc và cùng tìm cách giải quyết. Hoạt động quản lý điều hành của chính quyền các cấp bảo đảm công khai, minh bạch; duy trì tốt mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” theo đúng tinh thần “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân”, ban hành các cơ chế, chính sách phải phù hợp với lợi ích thiết thực, chính đáng của nhân dân; làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, nhất là những vụ việc phức tạp liên quan trực tiếp quyền lợi của nhân dân.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, bài bản của các cấp ủy, chính quyền, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Hà Nam, nhất là dân vận chính quyền ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Các mô hình có tính thực tiễn cao, không phô trương, hình thức, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân, đồng thời thúc đẩy từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, thân thiện, tạo sự gắn kết, gần gũi giữa chính quyền với nhân dân.