Đại diện Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian qua, quận thực hiện dân vận chính quyền gắn với nhiệm vụ về chuyển đổi số trên cả ba lĩnh vực: chính quyền số, xã hội số, công dân số. Trong đó, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của quận đã được cấp và sử dụng chữ ký số, giúp thực hiện tốt việc trả kết quả điện tử khi giải quyết thủ tục hành chính. Quá trình sử dụng lại các dữ liệu lưu trữ đã rút ngắn, đơn giản hóa được nhiều thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính cũng được áp dụng. Nổi bật là chuyên đề “Các thủ tục hành chính không chờ”, đến nay hơn 70% số hồ sơ thực hiện tại bộ phận “Một cửa” của các phường đều được thực hiện và trả ngay, không có giấy hẹn, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân.
Tại huyện Ba Vì, công tác dân vận chú trọng vào khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã xây dựng được 575 mô hình “Ngõ, xóm liên gia tự quản” ở bảy xã miền núi; thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, xây dựng, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các xã miền núi. Hệ thống dân vận cùng tham gia vận động đồng bào tích cực tham gia sản xuất với nhiều mô hình phát triển kinh tế ở các xã miền núi đạt hiệu quả như: Nghề thuốc nam ở xã Ba Vì; nuôi ong lấy mật ở xã Khánh Thượng; sản xuất miến dong ở xã Minh Quang…, đưa thu nhập bình quân đầu người các xã miền núi đạt 62 triệu đồng/người/năm.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà, từ đầu năm 2024 đến nay, việc gắn công tác dân vận với những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể của các địa phương, đơn vị đã phát huy hiệu quả tốt. Nổi bật là công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trọng điểm của thành phố, như: Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, Dự án đường vành đai 1 (Hà Nội)… đạt kết quả tích cực. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, các cơ quan tư pháp và lực lượng vũ trang, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện phân cấp, ủy quyền… cũng đã được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tăng cường thực hiện.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng thành phố phối hợp tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Sáu tháng đầu năm 2024, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã phối hợp giám sát 10.665 cuộc; tổ chức 803 cuộc góp ý phản biện; tổ chức hai hội nghị tiếp xúc, đối thoại cấp thành phố; 35 hội nghị cấp quận, huyện, thị xã và 525 hội nghị cấp xã, phường, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận từ cơ sở.
Sáu tháng đầu năm 2024, thành phố có tổng số 24.254 mô hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp thành phố được đăng ký triển khai. Ban Dân vận Thành ủy đã triển khai sâu rộng phong trào và Hội thi “Dân vận khéo” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô từ thôn, tổ dân phố, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Một số mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, mang lại hiệu quả tích cực trong thực tiễn như: mô hình “Cổng trường an toàn văn minh”, mô hình “Bóng đèn an ninh”, mô hình “Vì môi trường mạng xã hội bình yên” của Công an thành phố; mô hình “Dân vận khéo trong vận động nhân dân bàn giao mặt bằng để thi công công trình” của Đảng ủy Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4; mô hình “Hàng cây đại đoàn kết”, “Vận động nhân dân xóa điểm tập kết rác, xây dựng vườn hoa, sân chơi” của các quận Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai.
Bên cạnh kết quả, công tác dân vận các cơ quan nhà nước ở một số nơi chưa thật sự được quan tâm. Chất lượng, tiến độ công việc còn hạn chế. Việc thực hiện kỷ cương hành chính và các quy tắc ứng xử của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt. Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại một số địa phương, đơn vị hiệu quả còn hạn chế, tính lan tỏa chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở còn chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong việc gắn kết chặt chẽ thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương với việc thực hiện công tác dân vận.
Tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận từ nay đến cuối năm 2024 tổ chức ngày 31/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Dân vận các cấp ủy làm tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố kịp thời tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, giải quyết những vấn đề vướng mắc, kịp thời tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành “điểm nóng”… Ban Dân vận các cấp ủy cũng cần tiếp tục tham mưu chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; quan tâm chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện và tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền… “Các cấp ủy phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” để thật sự trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo sự thống nhất, đồng thuận, ủng hộ thực hiện các nhiệm vụ mới, khó, phức tạp”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh ■