Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, năm 1989, tại di tích khảo cổ Gò Thành, xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hiện vật quý, trong đó có bộ sưu tập 18 lá vàng được chạm khắc hình voi, thuộc văn hóa Óc Eo.
Đây là sưu tập hiện vật vàng lá có chạm khắc hình voi, với số lượng nhiều nhất trên bình diện văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Các hình voi được thể hiện đều có định hướng, có vị trí nằm ở các hướng (đông-tây-nam-bắc) và các phương (đông bắc-tây bắc-đông nam-tây nam) cho thấy khả năng chúng được bố trí nhìn tập trung vào một điểm ở trung tâm.
Đặc điểm này phản ánh chức năng của những con voi này tương ứng với các vị thần canh giữ các ánh sáng theo quan niệm của văn hóa Ấn Độ, là một nét độc đáo và là tư liệu quan trọng để nhận diện các nội dung cơ bản liên quan đến loại hình di tích kiến trúc tại Gò Thành nói riêng, các di tích văn hóa Óc Eo tương tự ở Nam bộ nói chung.
Ngoài ra, Nhà trưng bày số 1-Bảo tàng tỉnh Tiền Giang cũng được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nhà trưng bày số 1-Bảo tàng tỉnh Tiền Giang nguyên là nhà của Đốc Phủ Sứ Lê Văn Mầu. Ngôi nhà được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tại thành phố Mỹ Tho.
Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng ban đầu như phù điêu, đắp nổi, chạm trổ tinh xảo và nghệ thuật trang trí nội thất, trang trí hoa văn trên các đầu cột, thiết kế các khung cửa vòm tròn…
Nhà cổ Đốc Phủ Sứ Lê Văn Mầu được xem là một trong những ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp và tiêu biểu của giai đoạn lịch sử kiến trúc nhà ở vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).