Công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh

Tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết: Từ năm 2020 đến bảy tháng năm 2023, tỉnh có 84 nhiệm vụ khoa học-công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.

Công tác quản lý công nghệ, thị trường và doanh nghiệp khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, ứng dụng và bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân đều được quan tâm, đẩy mạnh. Mặc dù trong ba năm qua, điều kiện sản xuất khó khăn, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh không đạt như kỳ vọng, tuy nhiên đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), trong đó có nhân tố đổi mới công nghệ vẫn đạt giá trị dương và đóng góp khoảng 43% vào GRDP của tỉnh.

Đối với việc chuyển giao công nghệ nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ bản việc ứng dụng công nghệ từ nước ngoài thời gian qua được thực hiện theo các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh, với hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao. Một số dự án trong nước cũng đã đầu tư và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.

Quá trình khảo sát cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp của tỉnh có nhu cầu về đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: Cơ khí, chế tạo; công nghệ đúc, luyện kim, cán, kéo thép; chế biến nông, lâm, thủy sản…

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao trong GDP và trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng dần qua các năm.

Các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn được tỉnh Thái Nguyên thu hút, lựa chọn trong giai đoạn này tập trung vào sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao như: Sản xuất điện thoại thông minh, linh kiện điện thoại (Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên); sản xuất bản mạch in kết nối mật độ cao HDI (Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam); sản xuất vật liệu công nghệ cao vonfram (Công ty TNHH Vonfram Masan); ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất khuôn mẫu chính xác, các sản phẩm, linh kiện chính xác và robot ngành công nghiệp điện tử (Công ty TNHH Glonics Việt Nam).

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ nước ngoài phần lớn là công nghệ mới, công nghệ tiên tiến thuộc các dự án FDI trên địa bàn. Thông qua các hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ đã góp phần nâng cao các chỉ số về công nghệ của tỉnh. Cụ thể, kết quả tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020 đạt 10,27% và trung bình giai đoạn 2018-2022 đạt tiệm cận với tốc độ của cả nước.

Nhằm nắm bắt kịp thời các nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, đơn vị của địa phương, thúc đẩy kết nối, chuyển giao, làm chủ công nghệ nước ngoài, từ đó hướng đến cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và vươn tới thị trường quốc tế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ nước ngoài thuộc các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh.

Đây cũng là hoạt động thường niên được Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên triển khai trong hai năm vừa qua, nhằm xác định nhu cầu tìm kiếm, kết nối, chuyển giao công nghệ nước ngoài thông qua sự hỗ trợ của bộ phận đại diện khoa học-công nghệ ở nước ngoài.

Mới đây, tỉnh Thái Nguyên đã có cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh trao đổi cởi mở, trực tiếp với đoàn cán bộ đại diện khoa học-công nghệ ở 21 địa bàn trên thế giới các thông tin về công nghệ, thiết bị, sản phẩm nước ngoài đang được các đơn vị trong nước quan tâm cũng như có nhu cầu kết nối, hợp tác đầu tư, tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu hàng hóa…

Qua đó, đại diện khoa học-công nghệ ở nước ngoài đã chia sẻ, giới thiệu các công nghệ nước ngoài khả thi triển khai vào Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đồng thời, một số nhu cầu, đề xuất cụ thể đã được doanh nghiệp, đơn vị tại địa phương trao đổi, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ và sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên như: Tìm kiếm chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp, điện tử, dược thực phẩm, nông nghiệp; kết nối cung-cầu công nghệ trong các ngành, lĩnh vực tự động hóa, công nghệ thông tin có tính khả thi; tìm hiểu, học tập mô hình, kết nối công nghệ, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ nước ngoài phù hợp điều kiện của địa phương (chế biến, sản xuất chè…); tăng cường đào tạo chuyên sâu cán bộ quản lý, kỹ thuật cho lĩnh vực công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chế tạo robot, máy học và các công nghệ chế biến chuyên sâu…

Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Thái Nguyên là địa phương còn nhiều dư địa để thúc đẩy các hoạt động kết nối, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp, đơn vị. Việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài và kết nối đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ góp phần sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.