Tất cả các loại rau, củ, quả như súp lơ, cải thảo, cà rốt, dâu tây, hoa actisô... đều có thể giữ tươi trong vòng một tháng, mà không làm mất chất dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị của chúng.
Sau gần ba năm nghiên cứu, thử nghiệm, quy trình công nghệ của GS-TS Trần Kim Quy đã hoàn toàn thành công. Điều đặc biệt là việc bảo quản và giữ tươi rau, củ, quả này không hề dùng đến một loại hóa chất nào. Các chất được sử dụng để bảo quản rau quả tươi gồm: ôxy, không khí, nước sôi và... vỏ tôm, cua. Theo đó, quy trình bảo quản rau quả được tiến hành như sau: đầu tiên làm sạch rau quả, khử những vi khuẩn, hóa chất (như dư lượng thuốc trừ sâu) trên rau, củ quả, sau đó chần qua nước sôi và... phun đều dung dịch chitosan (được chiết xuất từ vỏ tôm, cua) và đưa vào phòng lạnh để bảo quản.
Tuy nhiên, nếu rau, củ, quả chỉ giữ ở phòng lạnh không thì vẫn có thể bị héo vì ẩm độ ở phòng lạnh khá thấp, khoảng 60%. Tác giả đã tăng cường thêm ẩm độ để rau, củ, quả tươi lâu, không bị héo.
Công đoạn bảo quản này không chỉ giữ tươi mà còn làm cho rau, củ, quả trở nên sạch hơn; vì thế rất an toàn khi sử dụng. Trước đây, chúng ta chỉ xuất khẩu rau, củ, quả theo đường hàng không, giá rất cao. Nếu bảo quản rau quả bằng cách này có thể vận chuyển bằng đường biển.
Hiện nay Đà Lạt - Lâm Đồng đang được chuyển giao công nghệ này, phục vụ cho xuất khẩu rau, củ, quả ra nước ngoài. Được biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu thành công công nghệ này.
Giá thành để bảo quản rau, củ, quả theo quy trình công nghệ này khá rẻ, khoảng 160 đồng/kg rau, củ, quả. GS-TS Trần Kim Quy cho biết, quy trình này cũng phù hợp với các loại rau, củ, quả của TP Hồ Chí Minh và các vùng miền trong cả nước.