Công đoàn Bộ Tài chính là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam hiện quản lý 49 đầu mối (21 Công đoàn cơ sở, 28 Công đoàn cơ sở thành viên và bộ phận) hơn 12.00 đoàn viên công đoàn được phân bố ở hầu hết các lĩnh vực công tác của Bộ Tài chính.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ Tài chính và sự chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của Công đoàn Viên chức Việt Nam, Công đoàn Bộ Tài chính đã phối hợp cùng chính quyền các cấp luôn coi trọng việc xây dựng các phong trào thi đua; xác định việc duy trì thường xuyên, liên tục các phong trào thi đua là trách nhiệm của tổ chức công đoàn, của lãnh đạo cơ quan, của tổ chức đảng và mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên công đoàn.
Các phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, hoạt động của ngành, của tổ chức công đoàn cũng như của từng cơ quan, đơn vị trong cả giai đoạn và từng thời kỳ nhằm động viên, khích lệ cán bộ công chức, viên chức lao động và công đoàn viên phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, thường xuyên học tập, đổi mới tư duy và phong cách làm việc, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điển hình là một số phong trào thi đua qua các năm như: “Cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách hằng năm; “Thi đua hoàn thành kế hoạch xây dựng đề án, cơ chế chính sách”; “Thực hiện văn minh công sở”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả”... luôn thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và đoàn viên công đoàn Bộ Tài chính.
Đặc biệt, 100% các đơn vị trong ngành đã tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Các phong trào thi đua đã có nhiều đổi mới, có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác thi đua; có sự đổi mới tích cực cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức thực hiện được thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức vị trí, vai trò, tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng gắn với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị và tổ chức công đoàn.
Hai là, tổ chức tốt phong trào thi đua gắn với việc nâng cao kỷ cương, kỷ luật, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ Tài chính, của cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí” góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ba là, đã có chuyển biến tích cực trong việc chăm lo, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến gắn với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống của ngành, của từng đơn vị.
Bốn là, chú trọng chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Các phong trào thi đua trong thời gian qua đã khơi dậy được tinh thần phấn khởi, lao động sáng tạo của đông đảo đoàn viên và người lao động tạo được động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn hằng năm và trong cả giai đoạn. Tuy nhiên công tác thi đua thời gian qua cũng bộc lộ tồn tại hạn chế sau:
Thứ nhất, phong trào thi đua còn có tình trạng phát triển chưa đồng đều và thiếu thường xuyên, có nơi còn mang tính thời vụ; số lượng phong trào và nội dung thi đua phát động nhiều nhưng kết quả thực hiện chưa tương xứng. Lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự coi thi đua, khen thưởng là một trong những biện pháp quản lý tích cực và hiệu quả.
Điều đó thể hiện qua việc nơi nào cấp ủy, lãnh đạo và chủ tịch công đoàn đơn vị quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện thì nơi đó có phong trào tốt và có tác động tích cực đến hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị; ngược lại nơi nào thiếu quan tâm, không chỉ đạo sát sao thì nơi đó phong trào yếu, không có tác động tích cực mà thậm chí còn ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị.
Thứ hai, công tác theo dõi quản lý, kiểm tra thi đua chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục nên phong trào thi đua có lúc, có nơi còn có lúc hình thức, chưa thật sự chú trọng đến chiều sâu và tính hiệu quả của phong trào.
Trong chỉ đạo chưa kịp thời nắm bắt những vấn đề thực tiễn đặt ra để tổ chức phát động thi đua, do đó chưa tạo được sức cuốn hút cao, chưa tạo được động lực thi đua thường xuyên, hiệu quả tổ chức các phong trào thi đua còn hạn chế.
Thứ ba, một số ít cán bộ, đoàn viên chưa nhận thức hết ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng nên dẫn đến tình trạng tham gia phong trào không tích cực.
Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian tới, theo chúng tôi, công đoàn các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tiếp tục quán triệt tư tưởng của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7/4/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam về công tác thi đua, khen thưởng; trong đó trước hết là đổi mới về nhận thức của các cấp ủy Đảng, Lãnh đạo đơn vị và tổ chức công đoàn các cấp nhằm xác định đúng đắn vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao ở từng cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về công tác thi đua, khen thưởng với chủ đề “Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước”, thường xuyên giáo dục lịch sử truyền thống , tuyên truyền sáng kiến, kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến và nêu gương “Người tốt-việc tốt”...
Tiếp tục vận động cán bộ, đoàn viên tích cực tham gia các phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị và tổ chức công đoàn; gắn thi đua với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn, về biển đảo...
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước các quy định về thi đua, khen thưởng và các Chỉ thị, nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên.
Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, phê bình những tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định về công tác thi đua, khen thưởng. Kịp thời phát hiện, tuyên truyền và nêu gương các điển hình tiên tiến và thông tin về việc đổi mới các hoạt động thi đua, khen thưởng.
Có biện pháp thích hợp góp phần nâng cao vai trò quản lý, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; trong đó cần tiến hành rà soát, hoàn chỉnh hệ thống các quy chế, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng của công đoàn các cấp theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đặc điểm, tính chất của tổ chức công đoàn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thi đua, khen thưởng công đoàn các cấp. Kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng của các tổ chức công đoàn.