Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.
Lâm Đồng phấn đấu trở thành “thiên đường xanh” du lịch vào năm 2030
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng có yếu tố văn hóa đặc sắc, ứng xử cởi mở; giữ được điều này, địa phương sẽ có sự phát triển mạnh trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài những tiềm năng đã được định vị, Lâm Đồng nay có những tiềm năng mới, như Cảng hàng không quốc tế Liên Khương và tới đây có nhiều tuyến cao tốc kết nối Lâm Đồng với các địa phương, vùng kinh tế khác. Đây là tiềm năng trong giao thương, mở ra cơ hội để địa phương phát triển toàn diện. Cùng với đó, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bô-xit… sẽ là những điểm mạnh trong phát triển kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, hiện nay, trước khi quyết định đầu tư, các doanh nghiệp xem xét yếu tố về tiềm năng lẫn thái độ ứng xử của lãnh đạo, chính quyền địa phương. Xem xét yếu tố cởi mở và sự đồng hành trong phát triển, văn hoá ứng xử với nhà đầu tư. Với tinh thần trách nhiệm, tình cảm và sự ngưỡng mộ những giá trị văn hoá dành cho vùng đất Lâm Đồng, Phó Thủ tướng cam kết đồng hành cùng địa phương, cùng chính quyền, nhân dân và nhà đầu tư trong hành trình phát triển.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Với Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng cần nhớ 8 chữ: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu.
Phó Thủ tướng chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo tỉnh về những khó khăn, trở ngại thời gian qua. Với những điều Lâm Đồng đã, đang và sẽ có, cùng với định hướng của Quy hoạch tỉnh, sự tiếp nối truyền thống, sự đồng hành của các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng kỳ vọng và tin tưởng Lâm Đồng sẽ phát triển ngày càng giàu, càng đẹp và mãi là điểm đến, nơi mà mọi người thường nói với nhau những lời yêu thương, ấm áp và thân ái.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham dự hội nghị. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp cho biết, Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Luật Quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước; phù hợp với định hướng, chủ trương tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp (bìa phải) trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào Lâm Đồng. |
Để thực hiện thành công các mục tiêu quy hoạch tỉnh, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư. “Lâm Đồng luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh và phát triển thịnh vượng”, đồng chí Võ Ngọc Hiệp nhấn mạnh.
Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cho rằng, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, cần cơ chế chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. |
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Tây Nguyên ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Đại diện nhà đầu tư phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Trong đó, tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng. Sắp xếp, tái cấu trúc không gian lãnh thổ của tỉnh Lâm Đồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.
Mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao. Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học khẳng định, Quy hoạch tỉnh là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của Lâm Đồng trong giai đoạn mới. Địa phương tiếp tục suy nghĩ và hành động với tư duy đổi mới, quyết tâm cao, biến những ý tưởng quy hoạch thành hiện thực, biến ước mơ thành hành động, để nội dung quy hoạch đi vào cuộc sống. Tỉnh Lâm Đồng cam kết luôn đồng hành, hợp tác cùng các doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng và hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp. |
Tại hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp, với 7 dự án, tổng giá trị dự kiến đầu tư hơn 17,2 nghìn tỷ đồng.