Ngành du lịch Lâm Đồng sẽ phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ; đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế; trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.
Trong đó, nghiên cứu, phát triển 6 nhóm sản phẩm du lịch chính, gồm du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp; du lịch sinh thái-mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch đô thị; du lịch sáng tạo.
Nhiều công trình ở Đắk Nông trả lại vốn do vướng mắc về giải phóng mặt bằng
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2023-2024, tỉnh có 210 dự án nằm trong danh mục thu hồi đất; trong đó, tỉnh đang triển khai 184 dự án, công trình. Đến nay, mới thực hiện xong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng 35 dự án, chiếm tỷ lệ 19%. Giải phóng mặt bằng chậm là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế, thời gian qua, nhiều công trình, dự án tại Đắk Nông đã phải xin trả lại vốn vì không thể giải phóng mặt bằng.
Giải phóng mặt bằng chậm, kéo theo tiến độ các công trình, nhất là đối với những công trình trọng điểm chậm. Hiện nay, Đắk Nông có rất nhiều công trình trọng điểm đang vướng giải phóng mặt bằng. Trong số 184 công trình, dự án đang triển khai, có 21 dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm; trong đó, thành phố Gia Nghĩa có 12 dự án; các huyện: Đắk Song (2 dự án); Cư Jút (2 dự án); Đắk R’lấp (2 dự án); Krông Nô (1 dự án); Đắk Mil (1 dự án) và Đắk Glong (1 dự án).
Tỉnh Đắk Nông cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; tuy nhiên, kết quả thực hiện giải phóng mặt bằng còn hạn chế. Trong đó, nhiều công trình trọng điểm vướng giải phóng mặt bằng kéo dài qua nhiều năm chưa giải quyết xong.
Hơn 2.600 tỷ đồng đầu tư vào Đắk Lắk
Một doanh nghiệp đầu tư chế biến cà-phê hòa tan tại Khu công nghiệp Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tiếp nhận 25 hồ sơ dự án đề nghị quyết định chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 3.198 tỷ đồng.
Qua xem xét, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho 7 dự án đủ điều kiện, với tổng số vốn đầu tư 2.642 tỷ đồng. Để đạt được kết quả nêu trên, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai dự án và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Liên hoan Tiếng hát công nhân, viên chức, lao động tỉnh Kon Tum lần thứ III
Tham gia Liên hoan tiếng hát công nhân, viên chức, lao động tỉnh Kon Tum lần thứ III-năm 2024 với chủ đề “Vang mãi khúc ca Công đoàn Việt Nam” có 15 đơn vị với 62 tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước…
Các tiết mục tham gia Liên hoan đã bám sát thể lệ của Ban tổ chức, qua đó thể hiện sâu sắc và phong phú các nội dung như: Ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, các tiết mục được biểu diễn đã khẳng định lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, của giai cấp công nhân, công đoàn, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và phản ánh sinh động đời sống, đặc thù ngành nghề của các đơn vị với nhiều hình thức về ca hát…
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao 4 Giải khuyến khích, 3 Giải C, 2 Giải B, 1 Giải A cho các đội có thành tích xuất sắc toàn đoàn. Công đoàn Công ty Điện lực Kon Tum đạt giải A toàn đoàn.
Liên hoan là hoạt động ý nghĩa nhằm chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước, của tổ chức Công đoàn Việt Nam nhất là kỷ niệm Tháng Công nhân năm 2024.
Ngoài ra, còn là dịp để công nhân, viên chức, lao động tỉnh thể hiện tài năng nghệ thuật, niềm tin với Đảng, giai cấp công nhân, với tổ chức công đoàn. Qua đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng cơ sở, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động.