Quang cảnh tọa đàm. |
Chiều 12/4, tại Hà Nội, Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Tọa đàm khoa học “Công an nhân dân khắc ghi lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất””.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an và PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì Tọa đàm. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Kỳ vọng to lớn của người đứng đầu Đảng ta đối với lực lượng Công an nhân dân
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS, TS Vũ Trọng Lâm cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ rất sớm, Người đã răn dạy về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên và nhấn mạnh cán bộ, đảng viên phải biết giữ “thanh danh của Đảng” và “danh giá của mình”. Người khẳng định, “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
Do đó, để làm tròn sứ mệnh của mình, Đảng không chỉ có lý luận tiên phong dẫn đường, là chủ nghĩa Mác - Lênin, mà Đảng còn phải tiêu biểu cho đạo đức và văn hóa. Đạo đức giúp người cán bộ, đảng viên luôn tiên phong, gương mẫu trước mọi nhiệm vụ, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”.
PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu đề dẫn tọa đàm. |
Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, cùng tầm nhìn xa đối với các vấn đề xây dựng Đảng, trong nhiều bài viết và nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở, phân tích sâu sắc về tư cách, đạo đức cách mạng và danh dự của người cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên hãy giữ liêm sỉ và danh dự; hãy khắc cốt ghi tâm: “Lời thề trước Đảng - Hãy giữ danh thơm tiếng tốt”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Trước những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đòi hỏi người đảng viên của Đảng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, phải thường xuyên chăm lo, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, như “mỗi ngày phải rửa mặt” để không làm mất đi danh dự của người đảng viên trước Đảng và nhân dân.
Người đảng viên cần giữ danh dự của cá nhân, cũng là gìn giữ, bảo vệ thanh danh cho Đảng. Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi đảng viên. Đối với lực lượng Công an nhân dân, điều đó càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề mang tính toàn cầu như khủng bố quốc tế, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, các vấn đề an ninh phi truyền thống... đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; các thế lực thù địch không từ bỏ mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục gia tăng các hoạt động gây bất ổn về an ninh chính trị.
Mặt khác, nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có cán bộ, đảng viên Công an nhân dân, là thách thức không nhỏ đối với lực lượng Công an nhân dân.
Lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm kỳ vọng to lớn của người đứng đầu Đảng ta mong muốn mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; phải luôn giữ vững bản lĩnh, liêm chính, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, ngày 15/1/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn: “Hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất””.
Lời căn dặn đó gửi gắm kỳ vọng to lớn của người đứng đầu Đảng ta mong muốn mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; phải luôn giữ vững bản lĩnh, liêm chính, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng nỗ lực phấn đấu, cống hiến, sao cho xứng đáng với danh dự, truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Danh dự phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, vun đắp mà nên
Tại tọa đàm, các ý kiến tham luận đã tập trung khẳng định và làm sâu sắc hơn giá trị và ý nghĩa lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quá trình tu dưỡng, rèn luyện, học tập, công tác và chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.
GS, TS Phùng Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, tham luận tại tọa đàm. |
Đồng thời, phân tích, đánh giá kết quả, bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra trong quá trình quán triệt, thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư đối với lực lượng Công an nhân dân.
Cùng với đó, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp gắn quá trình quán triệt và làm theo lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc học và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy và quyết tâm triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo GS, TS Phùng Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, đối với lực lượng Công an nhân dân, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất bởi đó không phải là danh dự của một cá nhân mà là danh dự của đất nước và nhân dân ủy thác cho mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Công an nhân dân.
Danh dự của người chiến sĩ Công an nhân dân gắn liền với danh dự của một lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, một lực lượng là “thanh bảo kiếm” sắc bén, “lá chắn thép” vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
GS, TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, danh dự không phải từ trên trời rơi xuống mà phải trải qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng, vun đắp mà nên. Trong thời bình, người cán bộ chiến sĩ Công an cùng lúc chiến đấu trên hai mặt trận. Một mặt trận là chống lại các thế lực chống đối chế độ, xâm hại quyền lợi của nhân dân. Mặt trận thứ hai là một mặt trận không tiếng súng, tưởng như vô hình nhưng không kém phần quyết liệt, đó là chống lại sự dụ dỗ, lôi kéo của các phần tử xấu, lợi ích nhóm, sự cám dỗ của các danh lợi tầm thường, sự mê hoặc của quyền lực…
“Kim chỉ nam” để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “tự soi”, “tự sửa”
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an nêu rõ, các ý kiến tham luận đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu và đều thống nhất cao một số vấn đề.
Một là, qua lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể khẳng định: danh dự đến từ những cống hiến thực tế của cá nhân đối với xã hội, từ lối sống có trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc; từ sự quan tâm, ứng xử đẹp với những người xung quanh; từ sự dám đương đầu với khó khăn, thách thức, dám đấu tranh, biết bảo vệ lẽ phải; qua đó, giúp con người định hướng tư tưởng, hành động, phân biệt được đúng sai, những việc nên làm và những việc nên tránh.
Danh dự xuất phát từ chính thái độ tự trọng đối với bản thân; sự cần kiệm, liêm, chính, biết dừng, biết đủ, không tham lam, sống trung thực, giữ chữ tín... là những điều kiện căn bản, tiên quyết kiến tạo nên danh dự con người. Danh dự còn được xác định thông qua thái độ biết tôn trọng và bảo vệ danh dự của người khác.
Hai là, lực lượng Công an nhân dân triển khai thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” bằng những mô hình, phần việc thiết thực, cụ thể hằng ngày như: “mỗi ngày làm một việc tốt”, “tự học, tự rèn, tự đào tạo”, “làm hết việc, không làm hết giờ”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”...
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an phát biểu kết luận tọa đàm. |
Ba là, cùng với Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, lời huấn thị của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn “Chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã thể hiện sự quan tâm, tin tưởng sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân.
Lời căn dặn trên có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, trở thành “kim chỉ nam” để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân luôn “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Từ lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể khẳng định: danh dự của người cán bộ, chiến sĩ công an luôn gắn chặt với danh dự của lực lượng Công an nhân dân. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân phải luôn đề cao ý thức bảo vệ danh dự cá nhân cũng như bảo vệ danh dự của Đảng, Nhà nước và của ngành Công an.
Mỗi lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ, việc làm của cán bộ, chiến sĩ phải coi Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là kim chỉ nam và phải hướng tới 4 chuẩn mực, đó là: chuẩn mực chính trị; chuẩn mực pháp luật; chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực văn hóa.
Quán triệt sâu sắc lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị trong thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục xác định rõ nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, có tính nguyên tắc là phải tập trung xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Đồng thời, tiếp tục thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; phát huy trách nhiệm và vai trò nêu gương, nhất là người đứng đầu. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để nêu cao ý chí chiến đấu; thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, coi đây là việc làm thường xuyên, hệ trọng, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động thực tế trong công tác, chiến đấu hằng ngày của mình.
Cùng với đó, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, đảng bộ theo hướng thiết thực, phù hợp; tăng cường công tác quản lý cán bộ, duy trì các hình thức lấy ý kiến góp ý phòng ngừa sai phạm; chủ động phát hiện, biểu dương, khen thưởng, lan tỏa tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương dũng cảm, tận tụy, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
“Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cần phát huy truyền thống, lấy lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh, đề cao danh dự, lòng tự trọng; thực hiện thật tốt 5 lời thề, 10 điều kỷ luật, điều lệnh và quy tắc ứng xử trong Công an nhân dân; tuyên truyền sâu rộng hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân theo tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực””, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.