Dự án Nhà tang lễ quận Thanh Xuân (Dự án) được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 5634/QĐ-UBND ngày 16/8/2017. Sau hơn 4 năm không được triển khai, UBND thành phố ban hành Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư số 4959/QĐ-UBND ngày 23/11/2021. Tiếp tục sau 28 tháng nằm “đắp chiếu” nữa, Dự án lại được UBND thành phố Hà Nội gia hạn bằng Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 1633/QĐ-UBND ngày 27/3/2024.
Trước đó, từ năm 2022, Dự án mới được UBND quận Thanh Xuân ban hành các thông báo công khai cũng như các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, quyết định thu hồi đất... Cho đến nay, mới chỉ có 17/110 trường hợp có đất bị thu hồi đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Những trường hợp còn lại, mặc dù không phản đối việc thực hiện Dự án nhưng yêu cầu làm rõ những vướng mắc như đã nêu ở trên.
Để làm rõ những nội dung bạn đọc phản ánh, chúng tôi đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng quận Thanh Xuân. Theo đại diện lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, Dự án là một công trình mang ý nghĩa xã hội quan trọng đối với người dân trong địa bàn quận. Lãnh đạo quận đã giao cho các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân để sớm triển khai. Được biết, Dự án được phê duyệt có tổng diện tích 22.875 m2, thuộc địa bàn phường Khương Đình.
Dự án được giao cho Công ty cổ phần Hồn Đất Việt làm chủ đầu tư (khai thác trong vòng 50 năm). Theo dự toán chủ đầu tư dự chi cho việc bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, tái định cư... là hơn 199 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xác định giá trị đất, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân (Trung tâm) áp mức giá quá thấp để chi trả cho người có đất bị thu hồi (trong khi Dự án Bệnh viện đa khoa Thanh Xuân có cùng loại đất lại được bồi thường, hỗ trợ gấp gần 3 lần). Số tiền này chưa bằng 1/2 mức dự toán (khoảng 90 tỷ đồng) nên người dân cho rằng, số tiền thực chi thiếu minh bạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hoàng Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân (nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân) khẳng định, những nội dung công dân kiến nghị không có cơ sở và đều đã được giải quyết, trả lời bằng các văn bản của cơ quan chức năng. Ông Linh viện dẫn Điểm c Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 để chứng minh Dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Cơ quan chức năng thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện Dự án là đúng quy định của pháp luật.
Năm 2022, trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư, Trung tâm ký hợp đồng với chủ đầu tư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Việc ký hợp đồng công việc như vậy không trái quy định do Trung tâm là đơn vị hành chính, sự nghiệp. Như vậy, cho dù Dự án do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư nhưng không thuộc trường hợp phải thỏa thuận giá bồi thường, hỗ trợ với người có đất bị thu hồi. Ông Linh cũng cho rằng, mức giá mà Trung tâm đề cập tại “dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất” của Dự án đã được thông báo, niêm yết công khai tại địa điểm và thời gian quy định.
Sau đó, các ý kiến của người dân đã được tiếp thu và chỉnh sửa trước khi UBND quận phê duyệt. Thời điểm đó, mức giá bồi thường giải phóng mặt bằng căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 và Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND thành phố Hà Nội (đã được thay thế bằng Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017). Ngoài ra, các hộ dân còn được nhận tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm.
Làm rõ phản ánh của công dân cho rằng chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện Dự án, ông Linh khẳng định, đơn vị này đã được UBND thành phố thẩm định năng lực qua việc chấp thuận chủ trương đầu tư và 2 lần chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Về năng lực tài chính, doanh nghiệp đã được Ngân hàng VP Bank cam kết cấp vốn bằng chứng thư có hiệu lực đến hết ngày 7/12/2025. Tuy nhiên, ông Linh không giải đáp được việc vì sao chủ đầu tư lại liên tục được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư trong khi Dự án đã bị chậm tiến độ đến hơn 6 năm. Ngoài ra, với một dự án được Nhà nước thu hồi đất nhưng giao cho doanh nghiệp xây dựng-kinh doanh, chính quyền địa phương cũng chưa có bất kỳ phương án nào quy định chủ đầu tư phải vận hành Dự án phục vụ cộng đồng.
Một trong những vấn đề người dân đặc biệt quan tâm nữa là việc giải quyết diện tích đất hiện thuộc quản lý của các hộ dân (dự kiến làm đường nội bộ giữa hai lô đất Dự án). Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân, diện tích nêu trên không thuộc phạm vi Dự án nên đơn vị này không có trách nhiệm và không được phép thu hồi. Như vậy, việc giải phóng mặt bằng đối với diện tích này cần có sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội.
Thế nhưng, theo công dân phản ánh, cả đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng và đại diện chủ đầu tư đang có những động thái ép người dân giao đất mà không được bồi thường, hỗ trợ. Ngoài ra, cũng theo báo cáo của Ban Quản lý, hơn 1 ha đất nông nghiệp trồng hoa cúc có giá trị cao trên diện tích bị thu hồi “dự thảo” ghi là trồng rau muống là căn cứ theo biên bản của tổ kiểm đếm (do UBND phường Khương Đình thực hiện). Người dân quan tâm về việc số tiền chênh lệch khi bồi thường hai loại rau màu này sẽ rơi về đâu.
Những kiến nghị của công dân và ý kiến giải đáp của đại diện cơ quan chức năng phần nào cho thấy nguyên nhân vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án này. Đồng thời cho thấy trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng trong quá trình ban hành và thi hành các quyết định trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án.