Bất cập trong chính sách hỗ trợ tái định cư

Theo bạn đọc phản ánh, trong khi thực hiện các dự án công trên địa bàn, nhiều địa phương ở Hà Nội phát sinh bất cập trong chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư như: Cách tính đơn giá bồi thường về đất, tính toán diện tích đất thu hồi để thực hiện phương án tái định cư đối với những trường hợp bị thu hồi phần lớn đất ở nhưng diện tích còn lại không đủ để xây dựng nhà ở.
0:00 / 0:00
0:00
Những ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện nhiều ở thành phố Hà Nội có nguyên nhân từ những bất cập trong quá trình thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư. (Ảnh DUY LINH)
Những ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện nhiều ở thành phố Hà Nội có nguyên nhân từ những bất cập trong quá trình thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư. (Ảnh DUY LINH)

Những năm gần đây, hầu hết các quận, huyện của Hà Nội triển khai nhiều dự án công. Điểm chung của các dự án này là Nhà nước thu hồi đất, mức giá đền bù, bồi thường, hỗ trợ đối với các trườg hợp bị thu hồi đất được tính theo quy định của thành phố (Hội đồng nhân dân thành phố quyết định trên cơ sở các quy định của pháp luật).

Tuy nhiên, quy trình này đã phát sinh nhiều vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của các hộ dân khi diện tích còn lại sau thu hồi không đủ để xây dựng nhà ở. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" gây mất mỹ quan đô thị, thậm chí có nguy cơ mất an toàn.

Ông Đặng Vinh Nhậm, ở ngõ 343, An Dương Vương (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) phản ánh: Gia đình ông đang sinh sống ổn định trong căn nhà tại ngõ 343 thì nhận được quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường ngõ 343. Theo quyết định do UBND quận Tây Hồ ban hành, gia đình ông Nhậm bị thu hồi 24,3 m2, trong khi diện tích gia đình ông Nhậm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) chỉ có 37,3 m2. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 3, Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng, diện tích còn lại của ông Nhậm là 13 m2, không đủ điều kiện để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, khi Ban quản lý dự án tiến hành đo đạc thực địa cho thấy tổng diện tích xây dựng của ông Nhậm là 44,9 m2, sau khi trừ đi 24,3 m2 còn lại là 20,6 m2 lại đủ điều kiện để làm nhà không vượt quá 2 tầng. Trớ trêu ở chỗ, phần đất 7,4 m2 trong số 20,6 m2 lại nằm trong Giấy chứng nhận QSDĐ tại thửa đất liền kề. Theo Quyết định số 5003/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND quận Tây Hồ, gia đình ông Nhậm không đủ điều kiện được hưởng chính sách tái định cư.

Trường hợp của gia đình ông Đoàn Trần Phương ở số 59, ngõ 565 đường Bát Khối (phường Cự Khối, quận Long Biên) có Giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích 65,2 m2. Sau khi bị thu hồi 48,9 m2, gia đình ông Phương còn lại 16,3 m2. Mặc dù đủ diện tích như quy định nhưng không đủ chiều sâu để xây dựng nhà ở. Cho dù không còn nơi ở nào khác nhưng gia đình ông Phương cũng không được xem xét chính sách tái định cư. Đáng chú ý, mức giá bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất ở đô thị của gia đình ông lại chỉ được tính hệ số K = 1.0 chứ không phải là hệ số K = 1.7 - 2.0 như quy định tại Quyết định số 5697/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của UBND thành phố Hà Nội: "Đơn giá bồi thường áp dụng đối với vị trí II đường Bát Khối". Tổng số tiền gia đình ông Phương được nhận bồi thường, hỗ trợ cho gần 50m2 đất ở đô thị chưa đầy 700 triệu đồng. Số tiền này không đủ để mua bất kỳ một căn nhà chung cư loại nhỏ ở các huyện vùng ven đô chứ chưa nói đến một mảnh đất đủ để xây dựng nhà ở.

Sau khi cơ quan chức năng có quyết định thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất, gia đình ông Đặng Vinh Nhậm và gia đình ông Đoàn Trần Phương trở thành "vô gia cư". Đó mới chỉ là hai trường hợp điển hình trong số rất nhiều hộ dân bị thu hồi đất phải chịu thiệt thòi vì "vướng" quy định như vậy.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh giải thích: Báo cáo của cán bộ dự án cho thấy diện tích hộ ông Đặng Vinh Nhậm đang sử dụng là 44,9 m2. Trên cơ sở đó, quận xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất tại Quyết định số 5003/QĐ-UBND. Quyết định nêu rõ trường hợp ông Nhậm không được bố trí tái định cư do diện tích còn lại đủ để xây dựng nhà đến 2 tầng. Tuy nhiên, ông Hoàng Tuấn Anh không giải thích được vì sao trong Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Nhậm chỉ có 37,3 m2 mà Ban quản lý dự án lại tính "thêm" phần diện tích trong Giấy chứng nhận QSDĐ của người khác. Đáng tiếc là đến nay UBND quận Tây Hồ vẫn không chỉnh sửa phương án đã ban hành. Còn gia đình ông Nhậm, khiếu nại lên UBND thành phố Hà Nội cả năm trời nhưng cũng chưa được giải quyết.

Cũng cảnh ôm đơn đi kêu cứu, gia đình ông Phương được UBND quận Long Biên hứa hẹn chờ bổ sung dự án, thu hồi hết diện tích đất còn lại sẽ được bố trí tái định cư. Thế nhưng, sau khi nhận được Văn bản số 227/UBND-QLDAĐTXD của UBND quận, ông Phương tá hỏa khi biết căn hộ tái định cư mình dự kiến được bố trí là khu nhà ở cao tầng 5.B3 Đông Hội (huyện Đông Anh). Mức giá bán cho các hộ tái định cư của khu nhà này là hơn 21 triệu đồng/m2. Với mức bồi thường hệ số 1.0 như UBND quận Long Biên đang thực hiện với diện tích đất ở đô thị thu hồi của gia đình ông Phương, ông Phương phải nộp thêm hơn 1 tỷ đồng nữa mới được cấp một căn nhà chung cư tái định cư khoảng 96 m2...

Việc đầu tư mở rộng, chuẩn hóa hạ tầng mà Hà Nội đang làm là cần thiết đối với bất kỳ đô thị hiện đại nào. Tuy nhiên, một số vướng mắc trong quy định về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và diện tích được phép xây dựng cần phải được xem xét phương án phù hợp, đúng pháp luật. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét lại quy định trong việc tính diện tích tối thiểu để xây dựng nhà ở đô thị; đơn giá bồi thường hỗ trợ; chính sách bù giá so với giá thị trường tại thời điểm thu hồi... để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các hộ dân có đất bị thu hồi.

Các trường hợp công dân khiếu nại đều được UBND thành phố chỉ đạo địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm. Trường hợp của ông Đặng Vinh Nhậm, Văn phòng UBND thành phố đã có Văn bản số 12905/VP-TNMT ngày 2/12/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông yêu cầu UBND quận Tây Hồ giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, đến nay công dân vẫn có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng của thành phố.

PHẠM ĐÌNH THỰC (Ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội)

Trường hợp của ông Đoàn Trần Phương, UBND quận đã có văn bản trả lời. Theo Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 5/5/2011 của UBND thành phố, diện tích còn lại của gia đình ông không thuộc trường hợp phải thu hồi hết. Tuy nhiên, nếu gia đình ông Phương có đơn đề nghị thu hồi nốt, UBND quận sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét theo quy định.

VŨ XUÂN TRƯỜNG Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, thành phố Hà Nội