“Con gái - Fille” lần lượt lật mở số phận của người phụ nữ - thông qua nhân vật Laurence Barraqué, người đối diện với những thay đổi trong xã hội Pháp suốt 40 năm. Sinh năm 1959 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Laurence Barraqué lớn lên cùng chị gái ở thành phố Rouen phía bắc Pháp, với cha cô là bác sĩ, mẹ cô là nội trợ.
Ngay từ rất sớm, thông qua ngôn ngữ và cha mẹ, Laurence hiểu được rằng vị trí của người con gái trong cuộc đời luôn thấp kém hơn con trai: Khi được người điều tra dân số năm 1964 hỏi có con không, cha Laurence đã trả lời “Không, tôi có hai đứa con gái”.
Tới những năm 1990, khi đã làm mẹ, cô vật lộn với câu hỏi ý nghĩa của việc là một cô gái, và bài học nào cô nên dạy hoặc không
“Con gái - Fille” là một tác phẩm thú vị và độc đáo. Camille Laurens sử dụng ba ngôi kể chuyện nhằm mô tả, nhấn mạnh những suy nghĩ, cảm xúc và sự chuyển đổi từ một cô gái sang một người phụ nữ. Điều này giúp thể hiện một cách chân thực và độc đáo trải nghiệm của người phụ nữ trong thế kỷ 20-21. Ở một mức độ nào đó, Laurence đã trở thành một đại diện cho câu chuyện cuộc đời của vô số phụ nữ.
Tác giả Camille Laurens tên thật là Laurence Ruel-Mézières, sinh năm 1957 tại Dijon. Bà từng giảng dạy ở Rouen, sau đó ở Maroc từ năm 1984. Từ tháng 9/2011, bà giảng dạy tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris.
Năm 1994, bà trải qua bi kịch cá nhân, đó là mất đi một đứa con, khởi nguồn cho tác phẩm “Philippe” (1995) và sau đó là “Cet absent-là”. Camille Laurens cũng đã xuất bản các bài tiểu luận, đặc biệt là “Quelques-uns” (1999), một bài viết về vấn đề từ ngữ. Một số tiểu thuyết của bà đã được chuyển thể thành kịch, và “Celle que vous croyez” đã chuyển thể thành phim vào năm 2019.
Từ năm 2002, Camille Laurens viết bài cho nhiều tờ báo khác nhau như Le Grain des mots, L’Humanité, Le Monde, Liberation. Bà từng là thành viên ban giám khảo Prix Femina (2007-2019) và hiện đang là thành viên trong ban giám khảo Prix Goncourt.
Camille Laurens được xem là một trong những “kiện tướng” của văn chương đương đại Pháp. Theo đuổi thể loại “giả tự truyện” (autofiction), mà bà thường gọi là “écriture de soi”, Camille Laurens đã viết nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết suốt hơn hai thập kỷ qua. Và với “Con gái - Fille”, tài năng văn chương đã giúp bà miêu tả sắc sảo những khoảnh khắc thời tuổi thơ ảnh hưởng tới sự trưởng thành sau này, phân tích một cách tinh tế và rõ ràng về trải nghiệm của phụ nữ trong một xã hội phân biệt giới tính.
Dịch giả Huỳnh Hữu Phước. |
Cuốn sách do dịch giả Huỳnh Hữu Phước, lấy tên là J.B chuyển ngữ. Câu chuyện Huỳnh Hữu Phước đến với “Con gái - Fille” hết sức tình cờ và là câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều bạn đọc.
Năm 2022, một trong những sự kiện văn học được bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ quan tâm nhiều nhất là nhà văn Pháp Marc Levy sang Việt Nam giao lưu với độc giả và dự vở kịch chuyển thể từ tác phẩm của ông hồi tháng 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Huỳnh Hữu Phước giao lưu với nhà văn Marc Levy tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp từ clip của Nhã Nam) |
Trong buổi giao lưu, trò chuyện với độc giả tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/11, ai nấy đều bất ngờ khi một chàng trai trong bộ đồng phục shipper đứng lên nói trực tiếp với Marc Levy bằng tiếp Pháp, không cần qua phiên dịch.
Đó chính là Huỳnh Hữu Phước, sinh viên học song bằng khoa Tiếng Pháp và khoa Địa lý tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Phước khi đó vừa trải qua những biến cố trong gia đình, và phải làm thêm đủ nghề để có tiền ăn học. Phước đã không quản ngại bất cứ công việc nào, từ phụ quán ăn, bưng bê trong quán cà phê, trông xe, làm bảo vệ, giao hàng… Trong tất cả công việc, giao hàng là Phước gắn bó lâu nhất.
Sau buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy, hình ảnh chàng shipper nói tiếng Pháp đã được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi khắp nơi. Và nhờ những tấm lòng hảo tâm, Phước đã trở lại trường để hoàn thành công việc học tập.
Trong thời gian trở lại học, Huỳnh Hữu Phước đã hoàn thành cuốn sách dịch đầu tay “Con gái - Fille” – một cơ duyên kết nối anh đến với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.
Chia sẻ về chàng shipper nói tiếng Pháp và cuốn sách dịch đầu tay, đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Câu chuyện về Huỳnh Hữu Phước đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho mọi người về tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, dù cuộc sống thử thách bạn thế nào đi chăng nữa. Trở thành "mẹ đỡ đầu" cho cuốn sách đầu tiên của Phước với tư cách dịch giả, chúng tôi hy vọng câu chuyện về việc học, ý chí vươn lên mạnh mẽ của Phước sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về ý chí vượt lên nghịch cảnh, chinh phục ước mơ của mình”.