“Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng - Nhật ký chống sốc khi con bước vào tuổi dậy thì” là sách thuộc dòng sách tâm lý, gia đình của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, một trong những dòng sách quan trọng và rất được bạn đọc quan tâm.
Cuốn sách có cách viết nhẹ nhàng, gần gũi, hết sức chân thật và đôi chỗ pha trộn giọng viết hài hước, hóm hỉnh. Ít ai biết được, để có thể viết ra câu chuyện giữa hai mẹ con một cách nhẹ tênh như vậy, lại là cả một hành trình đầy chông gai đối với chị Minh Họa.
Cuốn “Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng - Nhật ký chống sốc khi con bước vào tuổi dậy thì”. (Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam) |
“Cong ăn cong - Thẳng ăn thẳng” là câu chuyện của một người mẹ đơn thân đối mặt với sự khủng hoảng của hai cậu con trai, khi các con chị đến tuổi dậy thì. Đó cũng là sự khủng hoảng của chị, một người mẹ vốn coi con là niềm vui, là lẽ sống sau khi hôn nhân tan vỡ.
Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi đi vì “Hai con của tôi khi còn học trung học cơ sở rất chăm chỉ, thực hiện tốt nội quy của nhà trường và rất hiểu chuyện. Gió, bão, sấm sét bắt đầu nổi lên khi bước vào năm thứ 2 ngôi trường trung học phổ thông, các con tôi trở thành một phiên bản khác, một phiên bản đậm chất ổi xanh chát xít và ngang như cua càng, tôi luôn trong trạng thái căng như dây đàn, cảm xúc tồi tệ xuất hiện thường xuyên”.
Cuốn sách “Cong ăn cong - Thẳng ăn thẳng” được viết dưới dạng nhật ký của một người mẹ, cuốn nhật ký lần lượt kể về hai cậu con trai với những trường đoạn mà có lẽ hầu hết các gia đình có con đến tuổi dậy thì hiện nay đều có thể gặp.
Từ chuyện con có bạn gái, con bị nhà trường kỷ luật, cho đến chuyện con bỏ học, đòi ra ngoài kiếm tiền, rồi chuyện con cho mẹ “ra rìa”. Và chuyện khiến người mẹ sốc nhất là chuyện con trai thú nhận “con không thấy thích con gái bằng con trai”, là chuyện mà không phải gia đình có con ở tuổi dậy thì nào cũng gặp phải.
Tác giả Minh Họa ký tặng sách cho bạn đọc. |
Đối mặt với những tình huống như vậy, mỗi gia đình sẽ có nhiều cách giải quyết khác nhau: mắng chửi, đòn roi, khuyên nhủ, khuyên nhủ không được thì buông xuôi, hoặc tìm đến các bác sĩ tâm lý…
Người mẹ đơn thân trong “Cong ăn cong - Thẳng ăn thẳng” ban đầu vô cùng loay hoay tự vấn lương tâm: “Vẫn là những câu hỏi mẹ tự đặt ra cho chính mình, mẹ chưa đúng ở đâu, mẹ cần thay đổi điều gì?”
Khi bình tĩnh lại, chị không mắng chửi, không sử dụng đòn roi, cũng không buông xuôi. Chị vừa khuyên nhủ vừa kêu gọi tất cả những người có ảnh hưởng tới con đến khuyên nhủ cùng. Lúc thì chị làm trinh thám đi theo con, lúc thì chị làm nhà tâm lý thủ thỉ với con, chị dùng mọi cách để đưa con về quỹ đạo mà chị nghĩ là tốt cho các con của chị.
Ánh sáng cuối đường hầm của người mẹ là khi hai cậu con trai trở lại với trường học, và gần như trở về là những cậu bé “khi xưa”, lại bắt đầu cởi mở tâm sự với mẹ, ở một dạng thức khác: cao lớn hơn, trưởng thành hơn, bắt đầu kiếm được những đồng tiền chính đáng, và có những thành công nhất định, được nhà trường và xã hội ghi nhận.
Có được những niềm vui hiện tại, là do chị đã xác định không bao giờ bỏ cuộc trong việc cùng con bước qua khủng hoảng tuổi dậy thì, vì chị biết nếu chị buông xuôi, các con của chị sẽ khó mà vượt qua được những cám dỗ ma mị luôn bủa vây giới trẻ.
Tác giả Vũ Thị Minh Họa cùng các bạn đồng nghiệp của con trai út. |
Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Vũ Thị Minh Họa cho biết, khi bắt tay vào viết, điều đầu tiên chị nghĩ là về các con chị. Vốn là người hay cất giữ và nâng niu tất cả những kỷ niệm trong cuộc sống của các con, chị muốn ghi lại những cảm xúc mà các con mang lại cho mẹ khi trưởng thành. Đó là những cảm xúc mà theo chị là “ngỡ ngàng, bật ngửa và bất an”, cũng là một dấu mốc ấn tượng thôi thúc chị ghi lại khoảng thời gian “nổi loạn” của các con, để sau này các con hiểu được mẹ.
Chị cho biết, một trong hai cậu con trai của chị là LGBT, điều mà một đứa trẻ không dễ dàng chia sẻ với gia đình, và không phải gia đình nào cũng chấp nhận. “Tôi muốn đưa những câu chuyện này đến với bạn đọc để phụ huynh và các con hiểu nhau hơn. Phụ huynh khi có con như vậy cũng cần thấu cảm để kiên nhẫn, đồng hành cùng các con.
Trong sách, tác giả Minh Họa cũng muốn đưa một thông điệp đến với bạn đọc, là một khi các con đã biết đứng lên, đối diện với sai lầm, đó là bước trưởng thành mới của các con. Đó cũng là sự trưởng thành của chính cha mẹ khi hiểu và chấp nhận bản dạng giới của con mình. “Đó chỉ là sự khác biệt của cảm xúc con tim ngược lại với thể xác bên ngoài thôi. Hãy tôn trọng điều con muốn, chứ không phải là điều bố mẹ muốn. Nếu không thấu hiểu, mà muốn bẻ cong con về như ý mình mong muốn, thì có thể cha mẹ sẽ mất luôn cả con” - chị nói.
Lý do cuốn sách rất thu hút bởi vì chị Minh Họa viết bằng giọng văn hết sức chân thật, gần gũi, giản dị. Câu chuyện của chị cũng không quá nặng nề, vật vã, mà trôi đi nhẹ nhàng như cách viết của chị. Và đây cũng là câu chuyện của một bà mẹ đã dùng tới 200% sức lực và sự kiên nhẫn, cũng như vứt bỏ đi sĩ diện thông thường để hiểu và đồng hành cùng con.
Biên tập viên Nhà xuất bản Phụ nữ Trương Thị Ngọc Lan
Cuốn sách “Cong ăn cong - Thẳng ăn thẳng” có lẽ sẽ mãi mãi là một cuốn nhật ký ngủ yên trong góc tủ của một gia đình, nếu như tác giả Vũ Minh Họa không nhận ra có rất nhiều gia đình đang dở khóc, dở mếu như chị đã từng; phụ huynh khóc kiểu của phụ huynh, con cái khóc kiểu con cái. Nhiều gia đình không tìm thấy lối thoát nào khác, cũng không biết tâm sự cùng ai.
Chị quyết định xuất bản sách, với mong muốn viết lại hành trình vượt qua thử thách tuổi vị thành niên cùng các con của mình, để độc giả là những bậc phụ huynh hiểu hơn về sự thay đổi trong tính cách của trẻ ở độ tuổi này, còn độc giả là các con sẽ thấu cảm cho sự lo lắng và quan tâm có chút hơi quá của cha mẹ.