Con đường hạnh phúc

NDO -

Quốc lộ (QL) 16, chạy dọc các huyện biên giới rẻo cao 30a phía tây Nghệ An đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho bà con các dân tộc thiểu số ở các bản, làng ngang lưng trời này có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế, từng bước thoát nghèo, an sinh xã hội được chăm lo, đảm bảo... QL 16 được bà con gọi là “Con đường hạnh phúc”.

Gia đình ông Kha Văn Long ở bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý nhờ có QL16, làm ăn kinh doanh phát triển.
Gia đình ông Kha Văn Long ở bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý nhờ có QL16, làm ăn kinh doanh phát triển.

Hơn 10 năm, người dân ở các xã vùng rẻo cao biên giới như Mỹ Lý, Bắc Lý, (huyện Kỳ Sơn); Mai Sơn, Nhôn Mai (huyện Tương Dương)…cứ hễ có việc gì đều phải lần theo con đường mòn hay đi xuồng dọc sông Nậm Nơn bởi do khi đó chưa có đường giao thông vào trung tâm xã. Việc đi lại giữa các bản ở khu vực biên giới này lại càng khó khăn hơn nữa.

Thật khó hình dung sự vất vả của người dân nơi đây, khi tay dắt lợn tạ, lưng gùi vài ba yến nếp thơm từ bản xuống, phải đi mất hai, ba ngày đường mới bán được hàng. Bán xong sản vật lại nhờ những người lực lưỡng đẩy thuyền chở những mặt hàng thiết yếu ngược dòng Nậm Nơn lên bản.

Chính vì thế, hàng hóa thiết yếu từ miền xuôi lên đến tay bà con đắt gấp ba, bốn lần giá gốc hay nông sản, gia súc, gia cầm của bà con làm ra đều bán rẻ như cho…Khi trao đổi với những già làng, trưởng bản đến người dân nơi đây, mọi người đều chung một khát khao, có đường giao thông!

Điều mong ước của người dân trở thành hiện hiện thực, khi Nghệ An đầu tư xây dựng tuyến đường Tây Nghệ An (tỉnh lộ 543) trên độ cao hơn 1.500 mét và thông tuyến đưa vào sử dụng năm 2015. Con đường huyền thoại như dải lụa ẩn hiện ở lưng chừng trời, uốn lượn quanh núi cao, kết nối hai tuyến QL 7 và 48, chạy qua các bản làng của 10 xã thuộc ba huyện rẻo cao Nghệ An: Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn, người dân dọc tuyến biên giới đi lại thuận lợi.

Con đường hạnh phúc -0
 Các mẹ người dân tộc H. Mông bán dưa Mông tại ngã ba vào Mường Lống.

Đặc biệt hơn, khi cuối năm 2015, Bộ GTVT ra quyết định chuyển và nâng cấp tuyến đường nối các huyện Tây Thanh Hóa và tuyến đường Tây Nghệ An (tỉnh lộ 543) thành Quốc lộ (QL) 16. Đây là đường cấp V miền núi với điểm đầu, tại Km190 giáp tỉnh Thanh Hóa; Điểm cuối Km406 ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, nối với QL7 tại Km204. Đây là tuyến đường biên giới quan trọng nối giữa hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. QL 16 còn liên kết các vùng ở khu vực biên giới, nối trung tâm các huyện 30a và các xã 135 miền tây Nghệ An.

Trước đây từ thị trấn Mường Xén (huyện lỵ Kỳ Sơn) muốn sang thị trấn Kim Sơn (huyện lỵ Quế phong) hay ngược lại đều phải quay về xuôi, sau đó ngược lên, đi mất 6-7 giờ đồng hồ thì nay chỉ gần ba giờ đồng hồ. Khi tuyến đường hoàn thành, người dân ở vùng biên viễn Nghệ An tổ chức ăn mừng.

Phó Chủ tịch xã Nhôn Mai Và Bá Tịnh nhớ lại: Năm 2003, anh cùng hai người bạn nữa đều ở bản Huồi Cỏ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương phải đi mất hai ngày, vừa đi bộ, vừa đi thuyền mới đến được Trường THCS ở thị trấn Hòa Bình để nhập học. Nay có tuyến QL 16 này, từ Huồi Cỏ đi về thị trấn Hòa Bình chỉ khoảng bốn giờ đồng hồ.

Phó Chủ tịch xã Nhôn Mai còn khoe, nhờ có QL 16 mà bản biên giới Huồi Cỏ ở cheo leo lưng chừng núi đã có đường ô-tô vào tận nơi, hàng hóa được lưu thông thuận tiện. Đặc biệt, hơn 60 ha chanh leo hàng hóa mà bà con Huồi Cỏ trồng đều được tư thương đánh ô-tô vào tận nơi thu mua giá cao cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm…Điều mà bao thế hệ người H.Mông chúng tôi không bao giờ nghĩ đến. Nhờ vậy mà Huồi Cỏ trở thành bản biên giới đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn bản nông thôn mới.

A3-1598835702617.jpg
 Thu mua gừng Kỳ Sơn ở thị trấn Mường Xén.

Nhớ hôm về xã Mỹ Lý, Bí Thư Đảng ủy xã Lê Văn Liệu khoe, nhờ có tuyến QL 16 đi qua mà cuộc sống người dân chúng tôi ngày một khá lên. Hơn chục năm về trước, tuy chỉ cách thị trấn Mường Xén khoảng 50 km nhưng mỗi lần có việc ra huyện, chúng tôi đi mất gần hai ngày đường, phải ngủ đêm ở Huồi Tụ; nếu chống thuyền xuống thị trấn Hòa Bình (huyện lỵ Tương Dương) phải mất ba ngày và ngược thuyền lên mất đứt năm ngày. Nay ra Mường Xén chỉ hơn 1,5 giờ đồng hồ và đi Hòa Bình hơn ba tiếng đồng hồ.

Đi lại cũng như giao thương hàng hóa thuận lợi, khi mỗi ngày có hơn chục chuyến xe chở khách, chở hàng từ Vinh lên, từ Mường Xén vào Mỹ Lý và ngược lại. Các mặt hàng đều cơ bản có giá ngang với mặt bằng chung so với miền xuôi. Các sản phẩm nông sản, chăn nuôi của bà con lại bán dễ, nhiều khi không đủ hàng cung cấp cho lái buôn; nhất là mặt hàng gà đen, lợn bản giá cao lại không có mà bán…đã khuyến khích mọi người phát triển sản xuất.

Trước đây, hầu như nhà nào cũng có xuồng máy thì nay lại thay bằng xe máy để đi lại; ở những bản có điện lưới quốc gia, có đến 70-80% số nhà có ti vi hay tủ lạnh… Đây là điều mà người dân nơi đây từng mơ ước.

Dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình ở bản Xiềng Tắm, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã còn cho biết: Khi QL16 đi vào hoạt động, xã đã có điều kiện quy hoạch lại vùng dân cư, di vén các hộ dân ở dọc sông Nậm Nơn có nguy cơ sạt lở lên sống dọc quốc lộ và dần hình thành các điểm dịch vụ, thương mại. Cả xã hiện có 15 xe ô-tô phục vụ đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa.

Đến thăm gia đình ông Kha Văn Long, một hộ kinh doanh tổng hợp ở bản Xiềng Tắm, ông Long cho biết: Khi có quốc lộ 16 đi qua bản, vợ chồng đã bàn nhau, ra mặt đường buôn bán; kết nối với các nhà cung cấp từ dưới xuôi lên mua bán vật liệu xây dựng, hàng hóa thiết yếu khác và tổ chức thu mua hàng nông sản, gia súc, gia cầm cho bà con…

Làm ăn thuận lợi, nay gia đình đã làm được ngôi nhà trị giá gần một tỷ đồng, mua hai xe ô-tô để vận chuyển hàng hóa. Cô con dâu gia đình ông Long lộng lẫy trong bộ trang phục của người dân tộc Thái vừa đon đả bán hàng vừa khoe: Ngoài việc bán hàng phục vụ cho dân bản, khách qua lại, gia đình còn trở thành điểm thu mua nông sản và cung cấp hàng hóa cho các bản vùng sâu ở ngay sát biên giới với giá cả hợp lý... Hộ ông Kha Văn Long là một trong số hàng chục hộ dân ở Mỹ Lý phát triển dịch vụ, thương mại, chăn nuôi trang trại… vươn lên khá giả nhờ QL16.

A5-1598835702095.jpg
  Bà con trồng dược liệu ở các thung lũng dọc theo QL16.

Thiếu tá, Hoàng Thế Tài, Chính trị viên Đồn Mỹ Lý cho biết: Khi QL16 đi vào hoạt động, bên cạnh một số thách thức thì việc đi lại, hàng quân của bộ đội thuận lợi hơn cũng như như nắm bắt tình hình, xử lý nhanh các tình huống xẩy ra, đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên. 

Dọc QL16, đi từ các xã: Châu Kim, Châu Thôn, Tri Lễ của huyện Quế Phong; qua Nhôn Mai, Mai Sơn, huyện Tương Dương; đến Mỹ Lý, Bắc Lý, Huổi Tụ, Phà Đánh, Tạ Cạ của Kỳ Sơn giờ đây đã hình thành nhiều khu dân cư với nhà cửa khang trang, cùng các điểm buôn bán hàng hóa nhộn nhịp.

Đi qua địa bàn các xã: Huổi Tụ, Phà Đánh… là những đồi trồng gừng bản địa, là những đồi chè San tuyết của những gia đình thanh niên người dân tộc H. Mông ở Tổng đội TNXP 8. Chợ Huổi Tụ, ngã ba vào Mường Lống… trở nên sôi động, khi người mua, kẻ bán tấp nập, mùa nào thức nấy, khi gạo thơm từ Na Loi vận chuyển ra, mận Tam hoa, gà đen từ Mường Lống đến...

Người dân, nhất là lực lượng lao động trẻ đã bắt đầu năng động, tham gia làm trang trại, gia trại; tham gia buôn bán, dịch vụ hay tìm kiếm việc làm ở doanh nghiệp, xuất khẩu lao động… Cảnh người dân chỉ biết ngồi trong nhà nhìn ra, trông chờ hỗ trợ như trước đây hầu như không còn nữa.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: QL16 là tuyến đường có tính chiến lược cho sự phát triển kinh tế xã hội, an sinh, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh cho các huyện vùng biên giới miền Tây Nghệ An. Nhờ có QL 16 đi qua địa bàn năm xã 135 của huyện Kỳ Sơn mà các địa phương đã có điều kiện mở rộng các điểm dân cư; khuyến khích hình thành các điểm thương mại, dịch vụ ở dọc tuyến quốc lộ này.

A4-1598835702017.jpg
Mô hình trồng dây tây trong nhà lưới ở Mường Lống cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha.

Đi lại và thông thương hàng hóa thuận lợi giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản. Nhờ thế, Kỳ Sơn đã hình thành và phát triển nhiều mô hình sản xuất hàng hóa như chanh leo, gừng Kỳ Sơn, cây dược liệu, chè San Tuyết... ở các vùng khó khăn, vùng biên giới.

Bên cạnh đó, nhờ giao thông thông suốt mà huyện đang có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư đến để đánh thức tiềm năng du lịch Kỳ Sơn, nhất là các tua du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm (chinh phục đỉnh cao 2720 mét của dãy Phu Xai Lai Leng), hay thăm Mường Lống – nơi mệnh danh là Đà Lạt ở Nghệ An…

“QL16 sẽ góp phần đánh thức tiền năng ở vùng biên viễn, giúp bà con các dân tộc thiểu số ở lưng trời này có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế, từng bước thoát nghèo, an sinh xã hội được chăm lo, an ninh quốc phòng được giữ vững”, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe nhấn mạnh.