Con đường cho Phở Việt Nam

Con đường cho Phở Việt Nam

Tinh hoa phở Hà thành

Ẩm thực Việt Nam, trong đó có món Phở đã để lại một dư vị khó quên cho những ai từng thưởng thức nó. Giờ đây, nhắc đến món ngon Hà Thành người ta không thể không nhắc tới Phở.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực thì Phở Việt Nam ra đời đã hơn 100 năm. Nhà văn Giang Quân- Hội viên hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng: " Phở, dù từ đâu đến, khi về Hà Nội nó đã được "thăng hoa" nhờ khẩu vị của những người sành ăn xứ Hà thành. Từ đó, phở trở thành một món ăn thuần Việt, mang bản sắc Hà Nội".

Vào đầu thế kỷ 20, những gánh phở bán rong xuất hiện với duy nhất món phở thịt bò chín. Cho đến bây giờ, người dân Vân Cù, Nam Trực, Nam Định vẫn tự hào rằng quê hương mình có nghề làm phở truyền thống. Anh Vũ Ngọc Vượng, ông chủ của hàng loạt cửa hàng phở bò gia truyền Nam Định tại Hà Nội cho biết: "Bố tôi kể lại, từ những năm lên 8, lên 10 đã theo chân ông nội đi bán phở rong đựng trong các hòm bằng gỗ.

Bây giờ, thế hệ chúng tôi không thể bán phở rong được mà phải tiến tới xây dựng thương hiệu phở gia truyền Nam Định một cách bền vững. Có tới 80%lực lượng lao động tại các quán phở trên Hà Nội là người làng tôi".

Con đường cho Phở Việt Nam ảnh 1

Xếp hàng chờ ăn phở gia truyền.

Con đường cho Phở Việt Nam ảnh 2
Anh Vũ Ngọc Vượng: Tôi lớn lên, làng nghề đã xuất hiện từ lâu. Đã là gia truyền thì sự nhìn nhận phát triển về lâu dài và có chiều sâu là hạn chế. Sau buổi tọa đàm này, tôi sẽ về bàn với dân làng, tiến tới đăng ký thương hiệu phở bò gia truyền Nam Định.

Để làm ăn có quy mô như Phở 24 chúng tôi học tập rất nhiều. Tại, Hà Nội chúng tôi đã có 5 cửa hàng, nhưng không phải quán phở nào cũng đạt tiêu chuẩn cao, mà chỉ ở mức bình dân thôi.

Chưa ăn phở là chưa đến Việt Nam

Phát triển sau hơn một thế kỷ, phở không chỉ có mặt ở Việt Nam, mà xuất hiện nhiều nước trên thế giới: Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Singapore... đặc biệt tại Pháp với hàng chục loại phở khác nhau. Chính những người Việt xa xứ là những người đầu tiên quảng bá thành công thương hiệu phở Việt Nam ra quốc tế.

Con đường cho Phở Việt Nam ảnh 3

Một quán phở Việt Nam tại quận 12,
thành phố Paris (Pháp).

Nhắc tới phở Hà Nội, người ta thường nhắc tới phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư, tuy nhiên chủ yếu phục vụ là khách trong nước. Có một thương hiệu giúp cho phở Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế đó là Phở 24.

Con đường cho Phở Việt Nam ảnh 4

Ông Lý Quý Trung - TGĐ Tập đoàn An Nam, người đồng sáng lập thương hiệu phở 24 cho biết: "Phở 24 ra đời với mong muốn xây dựng một thương hiệu lớn với tham vọng phở Việt sẽ có mặt khắp thế giới.

Phở 24 đã mở được 30 cửa hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có 10 cửa hàng. Một số cửa hàng tại Nhà Trang, Bình Dương, Đà Nẵng, Huế. Năm 2009, sẽ mở tiếp ở Cần Thơ, Bắc Ninh...

Phở 24 cũng đã có mặt tại 10 quốc gia trên thế giới. Indonesia là nước đầu tiên có phở 24. Ngoài ra là Singapore, Philippines, Hàn Quốc, Australia... Ông Trung cũng có biết, Phở 24 vừa ký hợp đồng ghi nhớ mở cửa hàng ở Trung Quốc, Nhật Bản… trong năm 2009.

Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra là đa số du khách nước ngoài thường không hợp với những món gia vị cổ truyền có trong bát phở . Vì vậy, tại các cửa hàng phở hoặc khách sạn phục vụ khách nước ngoài món phở thường gia giảm để phù hợp với khẩu vị của khách: bát phở có thêm giá đỗ hoặc hành tây.

Từ đó, có thêm khái niệm: phở thời “hội nhập”, nhưng những thực khách yêu phở cổ truyền lại cho rằng làm như vậy sẽ không còn giữ được hương vị nguyên thủy của phở.

Con đường cho Phở Việt Nam ảnh 5
Ông Kim Sang Ug, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc với tư cách một người Hàn Quốc yêu thích món phở cho biết: Người Hàn Quốc cũng như người Việt Nam đều thích món ăn này, vì nó được làm từ gạo, phù hợp với khẩu vị của hai dân tộc. Khách nước ngoài vào Việt Nam làm việc thường chọn ăn món phở, bởi họ quan niệm rất thú vị: “Chưa ăn phở là chưa đến Việt Nam”.

Những vấn đề đặt ra cho phở thời hội nhập

Thực tế, hầu hết quán phở ở Việt Nam rất giản dị nếu như không nói là nghèo nàn về cơ sở vật chất, đi kèm theo là văn hóa phục vụ còn kém. Đây là vấn đề đặt ra đòi hỏi các nhà kinh doanh Phở cũng cần có tiêu chuẩn cơ sở, vật chất, văn hóa phục vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Tô Việt, Việt Kiều Pháp tỏ ra bức xúc về việc an toàn vệ sinh trong các quán phở:" Hồi bao cấp, phở là món ăn xa xỉ, nhưng giờ đây đã trở thành món ăn rất quen thuộc đối với nhiều người. Tuy nhiên, thói quen của người Việt Nam như ăn phở ở đầu phố, không hợp vệ sinh vẫn còn, mặc dù đã có thay đổi nhiều. Điều đáng quan tâm ở các quán phở là vấn đề về vệ sinh: vứt rác bừa bãi ra sàn nhà, khạc nhổ... Nhiều người nước ngoài rất ngại vào các quán phở như vậy.

Ông Kim Sang Ug, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc chia sẻ:"Tôi rất thích phở Việt Nam. Để phục vụ người nước ngoài tốt hơn, trước hết quán phải dễ tìm, có không gian cho bọn trẻ. Cũng cần quan tâm tới khẩu vị của người nước ngoài, thí dụ người nước ngoài không quen với các loại rau thơm, có thể để họ tự lựa chọn chứ không phục vụ sẵn".

Đứng từ phía những nhà quản lý, bà Vũ Mai Khanh, Vụ phó Khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: Để ngày càng thu hút khách nước ngoài đến với phở Việt Nam hơn chúng ta phải quan tâm tới chất lượng phục vụ, bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, thái độ phục vụ. Và đặc biệt là phải quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh chất lượng món ăn, chúng ta phải có cung cách phục vụ văn minh lịch sự. Việc quảng bá thương hiệu phở Việt Nam ra toàn thế giới cũng cần được quan tâm đúng mức. Chúng ta phải tạo ra một cái gì đó độc đáo như xây dựng một tuyến phố chuyên chế biến về phở, tổ chức thi chế biến riêng về món phở, tổ chức những nhà hàng phở hàng đầu.

Con đường phở là nội dung cuộc tọa đàm diễn ra vào sáng 21-11, do Báo điện tử VOVNews (Đài Tiếng nói Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Ẩm thực Đất Việt (Hội Dân tộc học TP Hồ Chí Minh) tổ chức.

Mục đích của buổi tọa đàm là lắng nghe những ý kiến đóng góp chia sẻ từ những nhà nghiên cứu, quản lý, kinh doanh và những ai "yêu" phở với mong muốn làm thế nào để đưa Phở Việt Nam thành một thương hiệu ngày càng được nhiều người trên thế giới biết đến.

Đặng Thanh Hà