Suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả đã gặp nhiều khó khăn bởi chính sách “Zero Covid” từ phía bạn. Do đó, thông tin thị trường Trung Quốc sắp mở lại biên giới và giảm bớt các xét nghiệm với hàng hóa nhập khẩu là cơ hội lớn cho rau quả xuất khẩu trở lại thị trường tỷ dân này.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ở thị trường này, Việt Nam đang có nhiều mặt hàng lợi thế khi thành công khi đưa loại nhiều trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, mới đây nhất là sầu riêng.
“Trung Quốc mở cửa biên giới sẽ giúp cho rau quả Việt Nam vận chuyển bằng đường bộ đi nhanh hơn, cước phí rẻ hơn. Đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với nhiều nước khác để cung ứng vào thị trường tỷ dân này”
Ông Đặng Phúc Nguyên
Năm 2019, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã đạt 2,43 tỷ USD. Tuy nhiên, khi dịch covid-19 xảy ra, xuất khẩu rau quả sang thị trường này bị ảnh hưởng và sụt giảm. 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ vào khoảng 1,37 tỷ USD và cả năm là 1,5 tỷ USD. Chính vì vậy, ngay khi đất nước tỷ dân này có động thái tuyên bố chính thức mở cửa biên giới thì các doanh nghiệp trong ngành đều phấn khởi và kỳ vọng nhiều sau ngày 8/1/2023.
Cùng với rau quả, việc Trung Quốc mở cửa cũng là điểm sáng hỗ trợ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang tiếp tục diễn ra ở nhiều nước châu Âu thì việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo đà cho xuất khẩu thủy sản. Bởi khi kênh nhà hàng phục hồi, xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ theo đó phục hồi. Sức tiêu thụ của một đất nước hơn 1 tỷ dân sẽ không thể được đáp ứng kịp bằng nguồn cung trong nước đã bị gián đoạn và hạn chế trong mấy năm qua vì chính sách Zero Covid. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, việc Trung Quốc mở cửa biên giới sẽ giúp tăng thêm nhu cầu với thủy sản Việt Nam. Thủy sản vẫn là mặt hàng được người dân Trung Quốc ưa chuộng và việc mở cửa thị trường giúp nhu cầu tăng trưởng tốt hơn trong thời gian sắp tới.
Tương tự với ngành gạo, số liệu thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc hiện chiếm khoảng 12% tổng giá trị xuất khẩu gạo. Vì vậy, với việc Trung Quốc mở cửa cũng đồng nghĩa là nhu cầu về gạo sẽ tăng lên. Từ đó sẽ có những tác động tích cực đến sản lượng xuất khẩu gạo qua Trung Quốc.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, vài năm gần đây, mỗi năm chúng ta chỉ xuất khẩu được 500.000 đến 1 triệu tấn gạo vào Trung Quốc. Tuy nhiên từ cuối năm ngoái đến nay, thị trường Trung Quốc bắt đầu ổn định hơn và việc mở cửa giao thông sẽ giúp nâng sản lượng xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc.
Nhận định từ các doanh nghiệp, chuyên gia ngành rau quả, Trung Quốc nới lỏng chống dịch Covid-19 trong nước, mở lại hàng hoạt dịch vụ đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc thông báo mở cửa biên giới từ ngày 8/1, trùng với thời điểm Tết Nguyên đán 2023, là những yếu tố cộng hưởng khiến sức tiêu thụ hàng hóa ở nước này tăng rất mạnh, phải đẩy mạnh nhập khẩu. Dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng ngay trong tháng đầu tiên năm 2023.
Tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp
Ngay khi có thông tin Trung Quốc sẽ dỡ bỏ kiểm dịch, mở cửa biên giới, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị ở các cửa khẩu sắp xếp nhân sự, tổ chức, bố trí nguồn lực tại các cửa khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nông sản là mặt hàng có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Đối với việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thêm việc khai mở thị trường Trung Quốc đang triển khai hiệu quả. Trong đó với sản phẩm sữa đã có 9 nhà máy thuộc 7 công ty sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng 50%.
Gần đây nhất, sau khi ký Nghị định thư xuất khẩu tổ yến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và hiện đã có 5 doanh nghiệp gửi hồ sơ để xin hướng dẫn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh để năm 2023 có những lô hàng tổ yến đầu tiên xuất vào thị trường Trung Quốc.
Mặc dù những cơ hội là hiện hữu, song theo các chuyên gia, thị trường Trung Quốc cũng đã có nhiều thay đổi tiệm cận với các thị trường trung cũng như cao cấp. Do đó các doanh nghiệp cần theo sát diễn biến từ thị trường Trung Quốc để có thể kịp thời nắm bắt và thực hiện các quy định, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nguồn gốc rõ ràng, thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc.