Báo chí Trung Quốc dẫn thông tin từ Hải quan Nam Ninh cho biết, 9 tháng năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 477.000 tấn nông sản Việt Nam qua các cửa khẩu của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây với giá trị nhập khẩu đạt 3,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 77,3% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Trung Quốc xuất khẩu 694.000 tấn nông sản sang Việt Nam qua các cửa khẩu của Quảng Tây với giá trị 9,28 tỷ nhân dân tệ, tăng 33,7% so cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, khối lượng và giá trị nông sản xuất nhập khẩu giữa hai nước qua các cửa khẩu của Quảng Tây lần lượt đạt 1,171 triệu tấn và 12,98 tỷ nhân dân tệ, tăng 51,5% và 43,8% so cùng kỳ năm ngoái.
Nông sản Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các loại trái cây tươi và khô, gồm mít, xoài, sầu riêng; xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các loại rau và nấm, gồm sản phẩm nấm đóng hộp, hành tây, khoai tây.
Đáng chú ý, kể từ tháng 9 năm nay, khi lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên thông quan thuận lợi qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan, chỉ trong 1 tháng, đã có 1.277,9 tấn sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của Quảng Tây; chiếm trên 90% tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Kể từ khi hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực, các loại nông sản của Việt Nam và ASEAN dần được chấp thuận mở cửa thị trường Trung Quốc. Trong đó, nông sản Việt Nam có lợi thế lớn do khoảng cách, thời gian vận chuyển ngắn hơn, giá thành thấp hơn.
Đại diện một công ty thương mại xuất nhập khẩu ở thành phố Bằng Tường (Quảng Tây) cho biết, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam chỉ mất thời gian vận chuyển 2 đến 3 ngày, đối với các loại hàng hóa có yêu cầu cao về thời gian vận chuyển như sầu riêng, thì lựa chọn nhập khẩu từ Việt Nam có thể giúp giữ được độ tươi ngon và hương vị của sản phẩm.
Hải quan địa phương cho biết, để bảo đảm thông quan nhanh chóng cho các loại nông sản tươi nhập khẩu, hải quan mở riêng luồng xanh và bố trí kênh liên lạc chuyên biệt cho doanh nghiệp, với nhiều biện pháp ưu tiên, tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu.