Cơ hội phát triển Thủ đô Hà Nội

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
0:00 / 0:00
0:00

Sau hơn mười năm triển khai thực hiện quy hoạch chung, nhiều đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt đã đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Nhờ đó, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi, khang trang, hiện đại. Vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình triển khai quy hoạch chung đã bộc lộ những hạn chế như: quy mô dân số vượt ngưỡng dự báo, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư; tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị... Việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là rất cần thiết.

Ngày 16/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó nhấn mạnh, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cần bám sát các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía bắc; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa. Mô hình phát triển không gian theo chùm đô thị, trong đó có các đô thị vệ tinh được giữ nguyên, nhưng cần xác định xây dựng hai thành phố trong Thủ đô làm động lực phát triển khu vực phía bắc và phía tây.

Đặc biệt, nhiệm vụ quy hoạch lần này cần định hướng quy mô dân số, vì trong những năm gần đây việc quản lý, kiểm soát dân số tại đô thị trung tâm và giãn dân khu vực nội đô gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hạ tầng đô thị bị quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, khói bụi, không khí ô nhiễm...

Theo định hướng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 7,3 triệu đến 7,9 triệu người, nhưng thực tế đến năm 2020, quy mô dân số đã đạt 8,24 triệu người. Dự báo đến năm 2030 khoảng 11,4 triệu đến 11,9 triệu người; đến năm 2045 khoảng 13,7 triệu đến 14,6 triệu người.

Với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch lần này có nhiều định hướng mới về tầm nhìn quy hoạch, chỉ tiêu dân số, mô hình thành phố trong Thủ đô..., vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn với Hà Nội. Vì thế, thành phố Hà Nội cần cân nhắc lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực, tập hợp được các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, có tầm nhìn dài hạn để đưa ra những dự báo khoa học, bảo đảm việc lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung có chất lượng và tính khả thi cao, tạo cơ hội phát triển Thủ đô trong những năm tới.